Bài 1. Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Truyền thống của gia đình, dòng họ

MỘT GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
TRONG NGÀNH Y

     Cố Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 – 1982) là bác sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Ngoài công trình được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Pa-ri (Pháp), ông còn để lại 123 công trình khoa học khác trong y văn thế giới. Ông là người có công lớn trong việc đào tạo đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn.

Cố giáo sư Tôn Thất Tùng.

     Ba người con của Giáo sư Tôn Thất Tùng là Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm và Tôn Thất Bách đều tiếp nối truyền thống, sự nghiệp của cha trong ngành Y. Trong đó, nổi tiếng nhất là Phó Giáo sư, Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Bách (1946 – 2004) là chuyên - gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam và thế giới; được phong Phó Giáo sư Y học, Nhà giáo Nhân dân, Viện sĩ Viện Hàn lâm Ngoại khoa Pháp, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Niu-oóc (New York) - Mỹ, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Ô-đéc-xa, U-crai-na (Odessa, Ukraine).

     Gia đình Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng là gia đỉnh y đức, nổi tiếng trong lịch sử y học của Việt Nam và thế giới.

*Gợi ý trả lời câu hỏi:

a. Truyền thống của gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng được thể hiện như thế nào qua thông tin trên?

- Truyền thống của gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng được thể hiện: Ba người con của Giáo sư đều tiếp nối truyền thống, sự nghiệp của cha trong ngành Y. Là gia đình nổi tiếng trong lịch sử y học của Việt Nam và thế giới.

b. Em còn biết những truyền thống nào khác của các gia đình, dòng họ?

- Những truyền thống khác của gia đình, dòng họ là: nghề giáo viên, nghề làm gốm, nghề đúc đồng, nghề làm quạt giấy, nghề đi biển, nghề làm mộc....

c. Em hiểu thế nào là truyền thống gia đình, dòng họ?

- Truyền thống gia đình, dòng họ là những giá trị tốt đẹp được hình thành trong quá trình và phát triển, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được mọi người trong một gia đình, dòng họ thực hiện.

1. Truyền thống gia đình, dòng họ là những giá trị tốt đẹp mà gia đình, dòng họ đã tạo ra, được lưu truyền, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

2. Một số truyền thống điển hình của gia đình, dòng họ: hiếu học, cần cù lao động, giữ gìn nghề truyền thống,...

Nghề đan nón truyền thống ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

@1231726@

2. Ý nghĩa của truyền thống gia đình, dòng họ

LÀM GIÀU TỪ NGHỀ LÀM CỐM TRUYỀN THỐNG

     Kế thừa nghề làm cốm của gia đình, khi lớn lên chị Huỳnh Thị Tuyết Nga ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định quyết định chọn nghề làm cốm truyền thống để lập nghiệp. Chị Nga đã mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hoá sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng; đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Chị Huỳnh Thị Tuyết Nga đang kiểm tra lại các sản phẩm bánh cốm trước khi xuất bán ra thị trường. (Nguồn: TTVH-TT-TT huyện Phù Cát)

     Đến nay, nghề cốm truyền thống của gia đình chị Nga đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng mang lại thu nhập cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở địa phương.

*Gợi ý trả lời câu hỏi:

a. Vì sao chị Nga đã thành công trong nghề làm cốm?

- Theo em, chị Nga thành công trong nghề làm cốm vì đây là nghề truyền thống của gia đình chị, từ xa xưa chị đã học hỏi và tiếp thu được những kinh nghiệm nhất định về nghề cốm. Do đó, khi theo nghề làm cốm, chị dễ dàng thành công hơn so với các nghề khác.

b. Theo em, truyền thống gia đình, dòng họ mang lại điều gì cho mỗi chúng ta? 

- Truyền thống gia đình, dòng họ mang lại cho mỗi chúng ta thêm những kinh nghiệm và sức mạnh trong cuộc sống, góp phần làm phong phú truyền thống và bản sắc dân tộc, nhất là thời đại ngày nay.

Truyền thống gia đình, dòng họ giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm và sức mạnh trong cuộc sống; góp phần làm phong phú thêm truyền thống và bản sắc dân tộc, nhất là trong thời đại ngày nay.

Làng nghề làm hương truyền thống Quảng Phú Cầu (Hà Nội).

Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội).

@1231805@@1231877@

3. Giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình, dòng họ

*Tình huống 1

     Tiến sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, từ bao đời nay đều có người học giỏi, đỗ đạt cao, một số người là tiến sĩ, nhiều người là cử nhân đại học, đang công tác ở nhiều nơi trên đất nước. Tự hào về dòng họ của mình, Tiến quyết tâm phấn đấu học giỏi để tiếp bước truyền thống của gia đình, dòng họ minh. Suốt từ lớp 1 đến lớp 6 Tiến luôn chăm chỉ học hành ở trường và ở nhà. Năm nào Tiến cũng là học sinh xuất sắc.

Tiến đã biết giữ gìn, phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ như thế nào?

- Tiến đã biết giữ gìn, phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ: Được sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học nên Tiến luôn quyết tâm phấn đấu học giỏi. Từ lớp 1 -> 6 Tiến luôn chăm chỉ học và đạt học sinh xuất sắc.

*Tình huống 2

      Yến sinh ra trong một gia đình làm nghề dệt chiếu cói truyền thống. Đời cụ, đời ông, đời bố và các cô, chú, bác của Yến đều có người theo nghề này. Tự hào về nghề truyền thống của gia đình, Yến thường hỏi bố mẹ để tìm hiểu về nghề dệt chiếu cói của gia đình, dòng họ mình từ các đời trước. Ngay từ khi học lớp 6, khi có thời gian ở nhà, Yến thường phụ giúp bố mẹ và dần làm quen về cách dệt chiếu cói. Tiếp nổi bố mẹ, Yến học hỏi từng bước và quyết đi theo nghề dệt chiếu cói của gia đình.

Yến đã làm gì để giữ gìn truyền thống của gia đình?

-  Để giữ gìn nghề truyền thống gia đình, Yến đã hỏi bố mẹ để tìm hiểu về nghề dệt chiếu cói của gia đình mình, phụ giúp bố mẹ và làm quen về cách dệt chiếu cói => quyết định đi theo nghề dệt chiếu cói của gia đình.

Chúng ta cần giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ mình trong cuộc sống bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; không làm điều gì tổn hại đến thanh danh của gia đình, dòng họ.

Nhóm các bạn trẻ đưa hát Xẩm đến gần hơn với giới trẻ.