Ôn tập lịch sử lớp 6

H24

Trình bày những chiến công tiêu biểu của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chống Mỹ (1954-1975)? Cho biết cảm nhận của bản thân về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân Biên Hòa – Đồng Nai?

NQ
8 tháng 10 2018 lúc 21:05

Đây nha nha hơi dàileuleuÔn tập lịch sử lớp 6Ôn tập lịch sử lớp 6Ôn tập lịch sử lớp 6

Bình luận (2)
LH
29 tháng 10 2018 lúc 20:35

Câu 2: Trình bày những chiến công tiêu biểu của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chống Mỹ (1954-1975)? Cho biết cảm nhận của bản thân về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân Biên Hòa – Đồng Nai?

Cách đây đúng 60 năm, ngày 19-12-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo lời kêu gọi ấy của Bác, quân dân Biên Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết một lòng, nhất tề đứng dậy cùng với cả nước ra sức chiến đấu chống thực dân Pháp cho đến ngày toàn thắng...

Vào cuối năm 1945, đầu năm 1946, thực hiện chủ trương hòa để tiến, Chính phủ ta ký kết với Pháp hiệp định sơ bộ (vào ngày 6-3-1946). Theo đó quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí chờ việc đàm phán nhằm thực hiện hiệp định. Mặc dù vậy quân Pháp tại Nam bộ vẫn cố tình vi phạm hiệp định. Chúng cho rằng hiệp ước mới được ký kết không dính dáng gì đến Nam bộ. Do vậy, chúng trắng trợn vi phạm hiệp định, đẩy mạnh các hoạt động quân sự hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta trong thời gian ngắn.

Ở Biên Hòa, sau khi đã chiếm được một số vị trí xung yếu để đặt sở chỉ huy, quân Pháp tiến hành hàng loạt cuộc càn quét với quy mô lớn, dồn đẩy cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang cách mạng vào sâu trong các căn cứ xa dân, không có nguồn tiếp tế cung ứng hậu cần. Cùng thời gian này, quân Pháp hướng mọi nỗ lực của chúng vào việc đánh chiếm Tân Uyên, Chiến khu Đ. Do vậy ngày 18-4-1946, chúng huy động 8.000 quân, chia thành 4 cánh bao vây vùng Phước Hòa, Tân Uyên, Cây Đào; các xã Thường Lan, Lạc An, cắt đứt và cô lập toàn bộ khu vực căn cứ.

Trong khi đó thì ở Bình Trước, Châu Thành, Biên Hòa , địch tăng cường các hoạt động tuần tiểu, để kiểm soát các vành đai chung quanh thị xã, chiếm lợi thế trong việc bao vây kiểm soát nội ô. Xã Bình Trước có nguy cơ bị cô lập. Các đường dây liên lạc trong và ngoại thành không còn dễ dàng thông suốt như trước. Hiểu được khó khăn của Biên Hòa, Tỉnh bộ Việt Minh đã quyết định thành lập một ban công tác thành ở Biên Hòa và phái đồng chí Võ Văn Mén (Bảy Mén) về phụ trách, căn cứ đặt tại Hố Cạn; đồng thời tăng cường 1 trung đội lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho Biên Hòa trừ gian, diệt ác, giữ vững cơ sở của ta.

Vào thời điểm này, các cán bộ chủ chốt hoạt động trong nội thành xã Bình Trước, Biên Hòa đã bị lộ. Từ sau khi giặc Pháp chiếm đóng hãng máy cưa BIF, chúng đánh phá ác liệt vào Tân Mai, Lân Thành, Vĩnh Thị, gây xáo trộn các tổ chức của ta. Do vậy, để bảo toàn lực lượng, lãnh đạo Việt Minh Biên Hòa tạm thời chuyển hết ra ngoài, thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Cùng với việc này, các cơ sở bí mật tiếp tục vận động thanh niên còn ở trong thị xã tham gia tòng quân vào bộ đội đánh Tây. Chủ trương này đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo lớp thanh niên mới lớn. Anh em đã hăng hái tham gia tòng quân. Chỉ trong vòng 1 năm, đến giữa năm 1947, lực lượng vũ trang kháng chiến của Biên Hòa đã phát triển lớn mạnh gấp 2 - 3 lần so với trước.

Song song với việc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang kháng chiến, bộ máy kháng chiến của Biên Hòa đẩy mạnh xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể công đoàn cứu quốc, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nông dân, thiếu nhi cứu quốc v.v...; xây dựng các cơ sở địch vận để hỗ trợ cho kháng chiến. Ông Ngô Bá Cao, nguyên cán bộ Mặt trận Việt Minh Biên Hòa , nguyên Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh liên thôn 5 thời ấy nhớ lại: Khí thế kháng chiến ở Biên Hòa lúc ấy được đẩy lên thành cao trào. Mọi hoạt động xoay quanh việc đề cao uy thế của kháng chiến, giáo dục lòng yêu nước cho mọi tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân đóng góp công sức, của cải, tiền bạc ủng hộ kháng chiến được phát huy tối đa.

Đến giữa năm 1947, công tác vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến đã trở thành phong trào khá rộng rãi, được các tầng lớp nhân dân trong nội ô cũng như các vùng ven thị xã Biên Hòa hưởng ứng tích cực mạnh mẽ. Đặc biệt là đã thu hút được giới trí thức công chức tình nguyện thoát ly đi tham gia kháng chiến như: ông Lương Văn Nho (công chức kho bạc Biên Hòa), ông Huỳnh Văn Đạo (chánh lục sự Tòa án Biên Hòa), thầy giáo Nguyễn Văn Ngữ (sau lấy tên là Hoàng Minh Viễn), thầy Võ Kim Đôi, Hiệu trưởng Trường Bá nghệ Biên Hòa v.v...

Trong bối cảnh giặc Pháp đang cố sức tăng cường đàn áp phong trào kháng chiến, hô hào cho thuyết "Nam kỳ tự trị" thì việc "lên chiến khu" của số trí thức nêu trên đã có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến những trí thức, công chức, nhân sĩ còn lại. Ai không ra đi kháng chiến thì họ cũng dồn tình cảm giúp đỡ, ủng hộ Việt Minh như trường hợp của bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Giám đốc nhà thương điên Biên Hòa; bác sĩ Nguyễn Sơn Cao; dược sĩ Hồ Văn Lâm, chủ hiệu thuốc Tây Hồ Văn Gia v.v...

Hướng về kháng chiến, các tầng lớp nhân dân Biên Hòa đã tích cực đóng góp tiền bạc, mua sắm các vật dụng cần thiết như lương thực, thực phẩm, thuốc men, máy đánh chữ, văn phòng phẩm gởi ra chiến khu. Nhiều người đã không kể hiểm nguy, giả làm người đi buôn chuyến, bỏ mối hàng, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của giặc để đem hàng hóa đến tận chiến khu phục vụ kháng chiến như bà Giáo Mỹ (mẹ ông Đỗ Bá Nghiệp, nguyên giám đốc Bảo tàng Đồng Nai). Có người dũng cảm hy sinh trên đường đi tiếp tế như chị Tư Điểu (Bình Hòa). Có những em thiếu nhi như: Nguyễn Thị Có, Nguyễn Văn Đời, Nguyễn Văn Đường ... Thường xuyên ra vào nội ô làm nhiệm vụ giữ vững liên lạc trong và ngoại thành...

Có thể nói từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, liên tục trong thời gian sau đó, phong trào kháng chiến của Biên Hòa ngày càng lớn mạnh. Tiếng súng trừ gian, diệt ác của các lực lượng vũ trang Biên Hòa vẫn tiếp tục vang lên, phối hợp với bộ đội ta trên các chiến trường giành lại thế chủ động và đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Giải phóng quận lỵ Long Thành

Đã 43 năm trôi qua, ký ức về trận đánh ác liệt giải phóng quận lỵ Long Thành (huyện Long Thành ngày nay) vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cựu chiến binh (CCB), thượng úy Nguyễn Đức Việt, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2).

Nhớ lại thời điểm ác liệt đó, CCB Nguyễn Đức Việt kể: “Chi khu Long Thành là mục tiêu quan trọng, cửa ngõ hướng đông bắc Sài Gòn. Chiếm được mục tiêu này sẽ thuận lợi cho ta tiến công lên nội đô hoặc phát triển chiến đấu xuống Bà Rịa- Vũng Tàu. Vì vậy, đơn vị hạ quyết tâm phải đánh chiếm bằng được quận lỵ Long Thành”.

Tiểu đoàn 2 đảm nhiệm lực lượng dự bị, sẵn sàng đánh địch trên hướng tiến công chủ yếu của Trung đoàn 101. Ngày 27-4-1975, Trung đoàn tiến công chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng nhưng chưa giải quyết dứt được mục tiêu then chốt. Địch trong chi khu Long Thành chia làm 3 khu vực co cụm, cố thủ, quyết giữ trung tâm quận lỵ. Tiểu đoàn 1 và 3 chiến đấu anh dũng, nhưng vẫn không đánh bật quân địch lại bị thương vong, tổn thất rất nhiều.

Trước tình thế đó, rạng sáng ngày 28-4, chỉ huy Trung đoàn 101 họp, quyết định đưa Tiểu đoàn 2 chính thức đảm nhiệm việc tiến công trên hướng chủ yếu, quyết tâm tiêu diệt địch ở chi khu Long Thành trong ngày 28-4. CCB Nguyễn Đức Việt lúc đó là Tiểu đoàn trưởng đã xác định rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên phải tiêu diệt là ổ hỏa lực địch đặt trên tháp nước- chướng ngại vật cản trở bước tiến của bộ đội ta trong những đợt tiến công trước đó.

CCB Nguyễn Đức Việt nhớ lại, vào khoảng 12 giờ ngày 28-4-1975, hiệu lệnh tiến công phát ra, theo kế hoạch đơn vị bắt đầu nổ súng. Cùng với pháo 100mm trên xe tăng T54 đi đầu bắn vào tháp nước, hỏa lực của Tiểu đoàn bắn mạnh vào ổ đề kháng của địch và các khu vực xung quanh. Tiếng đại liên im lặng, địch rối loạn đội hình. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn trưởng đã chỉ huy đại đội 5 và đại đội 7 xung phong đánh chiếm mục tiêu, phối hợp với Tiểu đoàn 3 tiến công đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy- nhà quận trưởng Long Thành. Bọn địch quyết tử thủ phản kháng liên tục. Chúng lợi dung nhà cao tầng và các ngõ ngách ném lựu đạn, bắn mạnh vào đội hình của ta. Trước tình thế bất lợi, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đại đội hỏa lực chọn vị trí thuận tiện, nã đạn vào trung tâm chỉ huy, uy hiếp tinh thần và chế áp mục tiêu kiên cố. Bọn địch bên trong trung tâm chỉ huy hoảng loạn, một số tháo chạy ra ngoài. Các đại đội bộ binh tranh thủ xung phong tiến công, nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu và làm chủ trung tâm chỉ huy địch theo đúng kế hoạch, giải phóng quận lỵ Long Thành vào chiều 28-4. Trong trận đánh ác liệt đó, nhiều cán bộ chiến sĩ của ta hy sinh, chưa kịp chứng kiến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Bảo vệ những cây cầu lịch sử

Trên đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, quân dân ta tiếp tục đánh địch, bảo vệ những cây cầu lịch sử, đặc biệt là cầu Ghềnh và cầu Hóa An. Trong đó, Trung đoàn Đặc công 113 đóng quân giáp ranh địa bàn Biên Hòa- Bình Dương ngày nay đóng vai trò chủ công. Khi nhận nhiệm vụ, các Tiểu đoàn 23 và 174 (Trung đoàn 113) đã khẩn chương hành quân ngay trong đêm 24 rạng sáng 25-4-1975 đến khu vực gần Cầu Hang (Hóa An- TP. Biên Hòa) đặt Sở chỉ huy, điều nghiên và chuẩn bị vào trận đánh.

Đại tá Đinh Xuân Nghiêm, nguyên Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Đặc công 113 nhớ lại, vào thời điểm khẩn chương, gấp rút, Trung đoàn được đông đảo người dân giúp đỡ đào công sự, tháo cánh cửa nhà để lát công sự cho Sở chỉ huy, tạo điều kiện để các cánh quân của ta dần áp sát Sài Gòn, chờ giờ phút giải phóng.

Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 27-4-1975, trận chiến đấu bắt đầu. Các đại đội 1 và 3 (Tiểu đoàn 23) đảm nhiệm đánh cầu Ghềnh và cầu Hóa An thì chạm ngay địch tại khu vực đầu cầu (thuộc địa giới phường Bửu Hòa và xã Hóa An ngày nay). Trong vòng 30 phút, các mũi tiến công của ta đã đánh bật địch khỏi các chốt trên cầu và bắt đầu giai đoạn khó khăn nhất: giữ cầu. Chỉ khoảng 4 giờ sau, bão lửa của địch bắt đầu trút xuống từ các hướng, gây cho ta không ít khó khăn.

Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 23 (Trung đoàn Đặc công 113) Nguyễn Văn Chương hồi tưởng lại, vào thời điểm gay cấn chốt giữ cầu, pháo của địch từ Thủ Đức bắn lên, từ Châu Thới bắn sang, từ Long Bình xả tới, trời đất sáng rực, rung chuyển. Pháo của địch vừa im thì bộ binh của chúng tiến vào, bắn đạn áp đảo, đúng như thói quen chiến đấu của chúng. Sau đó là biệt động quân, rồi xe tăng bắt đầu thọc vào Sở chỉ huy của bộ đội ta và các chốt đang giữ cầu, hòng chiếm lại nhanh nhất...

Với nỗ lực và quyết tâm bảo vệ cầu, sau gần 2 giờ đồng hồ, bộ đội của Trung đoàn đặc công 113 đã đánh bật được đợt phản công thứ nhất của địch. Nhưng ngay sau đó, chúng cho máy bay quần thảo để tìm hiểu trận địa, khi máy bay địch vừa đi thì pháo đạn của chúng nã xuống liên tục trong suốt ngày 27-4-1975, đây cũng là ngày mà chiến sĩ đặc công của ta đánh bật 4 đợt phản kích của địch. Quân ta hy sinh hơn 50 chiến sĩ trẻ trong 3 ngày bảo vệ giữ cầu.

* Chiến công của Chi đội 10

Cuối tháng 12-1947, quân Pháp chuẩn bị tổ chức hội nghị tại Đà Lạt để thảo luận việc thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại, tham gia hội nghị có nhiều quan chức cao cấp của Pháp xuất phát từ Sài Gòn lên Đà Lạt bằng đoàn xe quân sự theo quốc lộ 20. Nhận thấy đây là cơ hội diệt địch, Ban chỉ huy Chi đội 10 đã gấp rút chuẩn bị chiến trường và ngay trong đêm 26-12-1947 cử 2 đại đội A và C cùng Liên quân 17, các lực lượng địa phương cấp tốc hành quân đến vị trí tập kết ở quốc lộ 20, chọn vị trí xung yếu ở La Ngà để xây dựng trận địa.

Sáng 1-3-1948, các quan chức cao cấp của Pháp từ Sài Gòn lên Đà Lạt bằng đoàn xe quân sự gồm 70 chiếc. Đến hơn 15 giờ, bộ phận đi đầu đoàn xe lần lượt đi qua trận địa phục kích của ta. Khi chiếc thiết giáp mở đường vừa đến khúc cua trái của khu vực phục kích A, 3 quả địa lôi do bộ đội ta cài sẵn đã phát nổ, hất tung chiếc xe thiết giáp cùng 2 xe chở lính hộ tống lên trời. Viên chỉ huy đoàn xe cùng bộ phận thông tin tan xác tại chỗ.

Mất liên lạc vô tuyến, các xe phía sau vẫn tiếp tục nối đuôi nhau tiến lên và dồn cục tại trận địa ta chuẩn bị sẵn, tạo điều kiện cho các chiến sĩ ta chủ động tấn công tiêu diệt địch. Bằng lối đánh cắt đầu, khóa đuôi, sau hơn 30 phút giao tranh, ta thiêu hủy 59 chiếc xe quân sự, bắt sống 200 tù binh, tiêu diệt tại chỗ 150 lính Lê dương hộ tống, 25 sĩ quan chỉ huy, trong đó có Đại tá De Saringé, Chỉ huy bán Lữ đoàn Lê dương số 13, Đại tá Paruist, Phó tham mưu trưởng thứ nhất quân viễn chinh Pháp ở Nam Đông Dương, Thiếu tá chỉ huy khu Hóc Môn và Đại úy trưởng phòng xe hơi Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp; thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.

* Trận đầu diệt Mỹ của quân dân Biên Hòa

Sau khi lập nên chính phủ bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ đã đưa nhiều cố vấn quân sự sang miền Nam để huấn luyện cho đội quân tay sai và chọn Nhà Xanh (nơi thực dân Pháp đặt trụ sở phòng nhì của Tiểu khu Biên Hòa) đóng trong khuôn viên Nhà máy cưa BIF Biên Hòa để làm trụ sở của phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (gọi tắt là MAAG).

Trước âm mưu của Mỹ - Diệm, Ban Chỉ huy quân sự Miền và Tỉnh ủy Biên Hòa chủ động bàn kế hoạch tổ chức đánh đòn phủ đầu vào MAAG.

Qua trinh sát mục tiêu, ta biết được đêm 7-7-1959 là thời điểm ngụy quyền Sài Gòn tổ chức ăn mừng kỷ niệm cái gọi là “Đệ ngũ chu niên”, ngày mà Ngô Đình Diệm được Mỹ dựng lên làm thủ tướng bù nhìn. Trong ngày này, bọn lính trong Nhà Xanh tổ chức ăn mừng lễ, nhậu nhẹt say sưa nên sẽ có sơ hở trong tuần tra, canh gác. Do vậy, phương án tổ chức trận đánh được khẩn trương xây dựng và được Ban quân sự Miền thông qua.

Chiều ngày 7-7, khi trời vừa sụp tối, phát hiện khoảng 20 tên cố vấn Mỹ đi trên 7 xe du lịch vào Nhà Xanh ăn mừng lễ, lực lượng tham gia trận đánh gồm 6 chiến sĩ đặc công C250, tỉnh Biên Hòa cùng lực lượng cơ sở hóa trang toán lính ngụy đi tuần tra được lệnh rời vị trí ém quân để đánh vào Nhà Xanh. Các tự vệ mật của thị xã cũng được lệnh triển khai đội hình chiến đấu theo hướng được phân công.

Khi lực lượng đặc công và tự vệ mật Biên Hòa đã lọt vào bên trong theo đúng kế hoạch, ngay lập tức lực lượng hỗ trợ bên ngoài đã nổ súng bắn ngã tên lính gác cổng. Nghe động, một tên Mỹ từ trên lầu chạy xuống cầu thang, chạm mặt đồng chí Huề, chiến sĩ đặc công đang ôm mìn kéo theo sợi dây điện phía sau. Lập tức, hắn nhảy bổ tới giành giật quả mìn với đồng chí Huề. Lúc này, trên cầu thang lố nhố nhiều tên Mỹ khác. Một chiến sĩ trong tổ đặc công liền quét một loạt tiểu liên về phía các tên Mỹ trên cầu thang.

Thấy bọn địch quá đông và thời cơ diệt địch đã đến, đồng chí Huề chấp nhận hy sinh và hô to “Chấm”. Nghe lệnh của đồng chí Huề, đồng chí Sắc đứng phía sau chấm 2 đầu dây điện vào khối pin. Tiếng nổ long trời cùng một quầng lửa sáng lòa bùng lên, hệ thống điện trong Nhà Xanh tắt phụt. Chớp thời cơ này, 4 đồng chí trong tổ đặc công còn lại xông lên cầu thang và quét thêm vài loạt tiểu liên vào nơi có tiếng rên la, kêu gào của bọn Mỹ rồi nhanh chóng rút lui ra ngoài.

Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, tất cả các đơn vị địch không kịp trở tay, kể cả bọn lính bảo vệ ở sát cư xá. Trong trận này, ta diệt 2 cố vấn Mỹ, làm bị thương hơn chục tên khác. Đây được xem là trận diệt Mỹ đầu tiên của quân dân Biên Hòa và quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

* Chiến thắng sân bay Biên Hòa lần đầu

Mùa khô năm 1964-1965, trước tình hình giặc Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam, biến đất Biên Hòa thành căn cứ quân sự lớn, trong đó có sân bay Biên Hòa để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược, Quân ủy Miền và Tỉnh ủy Biên Hòa đã xác định: “Phải đánh một đòn chí mạng vào sân bay Biên Hòa, gây cho địch nhiều thiệt hại để chúng không còn sức mang bom đi gây tội ác đối với đồng bào ta”.

Từ chủ trương đó, Tỉnh ủy Biên Hòa đã cử lực lượng trinh sát biệt động TX.Biên Hòa phối hợp với các trinh sát đặc công pháo binh Miền đi điều nghiên địa hình sân bay Biên Hòa chuẩn bị cho trận đánh.

Được sự phối hợp tích cực của các lực lượng vũ trang Biên Hòa cùng các cơ sở của ta, 23 giờ 30 đêm 31-10-1964, lệnh tiến công vào sân bay Biên Hòa đã được khẩn trương triển khai. Các lạo pháo, cối của ta đồng loạt gầm lên, bắn cấp tập vào các mục tiêu trong sân bay khiến cho sân bay Biên Hòa chìm trong biển lửa. Cả TX.Biên Hòa và các vùng phụ cận rung lên vì những tiếng nổ long trời, lở đất.

Chỉ trong vòng 15 phút tiến công với 130 quả đạn pháo, cối được bắn chính xác, quân ta đã phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57, loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ, mới được đưa từ Philippines sang để chuẩn bị đi gây tội ác ở miền Bắc; 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám U2; diệt và làm bị thương 293 giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ; tiêu hủy và làm nổ tung 2 kho bom đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát và 18 trại lính.

Trận đánh vào sân bay Biên Hòa đêm 31-10-1964 là một trận đánh táo bạo, bất ngờ, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của các lực lượng vũ trang miền Nam vào một sân bay chiến lược của Mỹ kể từ lúc Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam.

-Đại tá Đinh Xuân Nguyên xúc động nói: “Trên 50 người hy sinh là hơn 10% quân số của Trung đoàn 113. Lính đặc công đã ít, lại khó huấn luyện thành thạo, đánh 3 ngày mà mất trên 50 người là mất mát cực lớn cho đơn vị. Các bạn hầu hết là lính trẻ 19 đôi mươi, tóc còn xanh mà đã mãi mãi ra đi, không kịp chứng kiến ngày đất nước độc lập”.

-Qua câu nói trên ta đã hiểu được nỗi hi sinh xương máu của nhưng thế hệ cha-ông nơi vùng đất Biên Hòa. Họ đã hi sinh cuộc đời mình để con cháu đời sau được hạnh phúc, ấm no. Những chiến công vang dội ấy tuy nhỏ nhưng đã góp phần tạo động lực cho nhân dân vùng lên đấu tranh, góp phần giải phóng đất nước, dân tộc Việt Nam!

Bình luận (9)
LH
8 tháng 11 2018 lúc 23:00

Thời kháng chiến 9 năm (1945 - 1954):

Cách mạng Tháng tám thành công chưa đầy một tháng, chính quyền nhân dân non trẻ phải đương đầu với cuộc tái chiếm (được quân đồng minh yểm trợ) của thực dân Pháp, sau đó rút về chiến khu tổ chức kháng chiến. Đời sống kinh tế - xã hội Đồng Nai thời này tạm chia làm hai: Vùng kháng chiến và vùng bị tạm chiếm.

Vùng bị tạm chiếm do thực dân Pháp kiểm soát, chủ yếu là ở đô thị và các khu vực thị tứ đông dân. Sản xuất nông nghiệp bị giảm sút, diện tích lúa năm 1951 chỉ đạt 4.900 ha, chiếm 16,78% so với năm 1940; đến năm 1954 có khá hơn cũng chỉ bằng 45,58% của năm 1940. Cây cao su, niềm hy vọng lớn nhất của nông nghiệp thời này cũng vậy, suốt 9 năm cố sức lắm cũng không vượt qua được con số 29.610 ha của năm 1940.

Về tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp cũng không có gì mới. Nhà máy BIF hoạt động trong lòng địch nhưng trái tim công nhân thuộc về kháng chiến; liên tục bãi công, đấu tranh; thậm chí chủ xưởng phải nộp thuế cho cách mạng.

Nhờ tự lực mà dân kháng chiến trưởng thành nhanh chóng. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên bố thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1946, ngay hôm sau, bộ đội Vệ quốc đoàn Biên Hòa do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy phối hợp nhiều đơn vị khác lập công, tiến công tiêu diệt địch ở tỉnh lỵ Biên Hòa. Sau đó, liên tục tạo nhiều chiến thắng vang dội: Trảng Táo, Bàu Cá, La Ngà, Cầu Bà Kiên... càng đánh càng trưởng thành. Trước mũi giặc, ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên được tổ chức thắng lợi, các đồng chí Hoàng Minh Châu, Phạm Văn Búng, Nguyễn (Điểu) Xiển trúng cử ở Biên Hòa. Vùng kháng chiến ngày càng lan rộng ở nông thôn, thực hiện chính sách chống giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt; vừa đánh giặc vừa tăng gia sản xuất, vừa xây dựng đời sống mới. Các khu căn cứ Chiến khu Đ, Rừng Sác, Bình Đa, Hố Cạn... phát động phong trào tự túc lương thực. Một số đơn vị lập nông trường. Lúc thiếu đói, khoai củ trở thành "nhân vật chính": "kháng chiến dẻo dai nhờ khoai với củ; kháng chiến no đủ nhờ củ với khoai".

Kháng chiến đi đôi với kiến quốc. Tháng 10 năm 1947, các ty: Kinh tế tài chánh, Thông tin tuyên truyền, Giáo dục, Y tế được thành lập. Phong trào bổ túc văn hóa, xóa mù chữ được phát triển rầm rộ, lập Trường tiểu học ở chiến khu Đ, chiến khu Phước An; đến năm 1948, xã Thái Hòa (huyện Tân Uyên) là một trong hai xã đầu tiên của Nam bộ được công nhận đã thanh toán mù chữ. Tỉnh Biên Hòa đã ra báo Đồng Nai - tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa kháng chiến. Chi đội 10 còn tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; xuất bản báo Sứ Mạng, Tiếng Rừng phát hành đến các tổ; vị chỉ huy Huỳnh Văn Nghệ cùng các chiến hữu công bố nhiều bài thơ hay.

Sau trận thắng La Ngà (1 - 3 - 1948), tinh thần kháng chiến lên cao. Đồng bào các giới ở vùng tạm chiếm lắng lòng theo kháng chiến, nảy sinh phong trào đóng góp, ủng hộ cách mạng; nhiều tăng ni, tín đồ gửi cả các đồ tự khí để chế tạo vũ khí đánh giặc. Phong trào phá hoại cây cao su phát triển liên tục những năm 1946 - 1954 nhằm đánh vào nền kinh tế của thực dân xâm lược.

Năm 1949, 2.000 công nhân cao su miệt Long Khánh tập trung về chiến khu Đ, lập các xã Dân Chủ, Cộng Hòa, Tứ Hiệp, trở thành công dân chiến khu để sản xuất, tăng nguồn lực cho kháng chiến.

Vụ mùa năm 1948 - 1949 thắng lợi, thu hoạch tăng gấp hai lần năm 1947. Nhưng, trận lụt năm Thìn 1952 gây tai họa cho vùng chiến khu Đ; nhân dân miệt Phú Hữu, Phước Khánh cùng đồng bào nội thành và các tỉnh miền Tây chi viện lương thực kịp thời. Ngoài ra, còn có nạn cọp Ba Móng gây hãi hùng chiến khu Đ, hơn một trăm người thiệt mạng; đến ngày 11 tháng 2 năm 1950 mới diệt được.

Nhìn chung, thời 9 năm (1945 - 1954) sản xuất không phát triển, nhân dân lao động thắt lưng buộc bụng để ủng hộ, nuôi dưỡng tham gia kháng chiến chống Pháp. Thực dân Pháp cũng lo đối phó với cách mạng và giải quyết nội bộ ở bản quốc nên không tạo được điều gì mới.

Điểm sáng nhất của thời kỳ này là: Lòng dân thấm đượm chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã dốc sức chiến đấu và sản xuất tự lực, tự cung, tự cấp, để chiến thắng được giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt và cả giặc "bốn chân".

Đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Giơ – ne – vơ:

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp ký Hiệp định Giơ – ne – vơ ngày 20 – 7 - 1954. Đất nước ta tạm chia làm hai miền: lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam tạm thời đặt dưới quyền quản lý của đối phương. Hai năm sau (1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Thế nhưng đế quốc Mỹ đã âm mưu thôn tính miền Nam, thôn tính Đông Dương nhằm ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, tiền đồn của Mỹ ở Đông Nam Á. Chúng đào tạo và đã đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam thiết lập bộ máy thống trị từ trung ương đến địa phương, làm tay sai đắc lực cho đế quốc Mỹ.

Tháng 7 – 1954 Trung ương Đảng tiến hành hội nghị lần thứ VI thảo luận tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Hội nghị khẳng định: Đế quốc Mỹ trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân ta và chỉ rõ nhiệm vụ chung trước mắt của cả nước là: “Cần tập trung mũi nhọn tiến công vào đế quốc Mỹ, bọn hiếu chiến Pháp và bọn tay sai của chúng, tiến hành củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước”.

Tháng 9 – 1954, Bộ chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về “Tình hình nhiệm vụ mới và chính sách của Đảng”, xác định: “…nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa phải đã hoàn thành, cuộc đấu tranh ái quốc không vì đình chiến mà kết thúc, cuộc đấu tranh đó còn đang tiếp tục nhưng phương thức đấu tranh cần phải thay đổi… lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơ–ne–vơ, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập…” ([1][1]).

Tình thế cách mạng miền Nam đã thay đổi, nhiệm vụ chính trị chuyển từ kháng chiến võ trang sang đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định. Trong bối cảnh đó tâm tư tình cảm của nhân dân miền Nam, nhân dân Biên Hòa luôn biến động. Họ vui mừng vì chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng băn khoăn lo lắng lực lượng vũ trang, cán bộ cách mạng xuống tàu ra Bắc tập kết, khi đế quốc Mỹ dựng chính quyền tay sai để chống phá cách mạng.

Ngày 30 – 7 - 1954, Tỉnh ủy Thủ Biên tổ chức cuộc họp bất thường bàn biện pháp thực hiện chủ trương và chỉ thị của cấp trên. Hội nghị tập trung bàn về việc chuyển hướng từ đấu tranh toàn diện (quân sự, kinh tế, chính trị, binh vận…) sang đấu tranh chính trị đơn thuần, sắp xếp lại lực lượng, chuyển quân tập kết trên địa bàn tỉnh, bố trí cán bộ ở lại hoạt động.

Tỉnh ủy khẩn trương tổ chức học tập quán triệt tình hình mới, phổ biến nội dung Hiệp định Giơ–ne–vơ cho cán bộ, đảng viên và cơ sở cốt cán được bố trí ở lại, kiện toàn cán bộ các huyện, thị xã, đưa đảng viên về bám cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng.

Tháng 1 – 1955, Xứ ủy quyết định tách Thủ Biên thành hai tỉnh: Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Tỉnh Biên Hòa gồm các huyện: Long Thành, Vĩnh Cửu, Tân Uyên, Xuân Lộc và thị xã Biên Hòa.

Ta tổ chức sắp xếp lại lực lượng, chuẩn bị vào cuộc đấu tranh mới cũng là lúc địch tiến hành xây dựng hệ thống kềm kẹp từ trung ương cho đến tận xã ấp. Ngoài bộ máy tề ngụy các cấp, chúng tổ chức các đoàn “xây dựng hương thôn”, “diệt trừ sốt rét” … điều tra thăm dò, lập danh sách những người kháng chiến, những gia đình có liên hệ đến cách mạng, phân loại dân, chuẩn bị các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” và ráo riết mở các chiến dịch tuyên truyền lừa mị dân chúng, tổ chức các đảng phái, đoàn thể phản động như “Đảng cần lao nhân vị”, “Phong trào cách mạng quốc gia”, các đoàn thể “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới, các “Công đoàn vàng”… Chúng lập ra tổ chức “ngũ gia liên bảo” để kiểm soát mọi hoạt động, sinh hoạt của mỗi người dân nhất là tập trung khống chế, theo dõi số gia đình cán bộ tập kết và còn hoạt động cách mạng.

Ngay từ đầu Mỹ - Diệm tập trung xây dựng lực lượng tề ngụy, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội để đàn áp phong trào. Cuối năm 1954, địch cưỡng ép hơn 150.000 đồng bào Thiên Chúa giáo ở các tỉnh miền Bắc di cư vào Biên Hòa và bố trí dọc theo các trục lộ giao thông chiến lược, xung quanh các căn cứ quân sự và vùng căn cứ của ta tạo thành vành đai bảo vệ Sài Gòn, Biên Hòa ngăn chặn phong trào đấu tranh cách mạng, âm mưu biến số dân này thành cơ sở chính trị - xã hội trung thành đối với chế độ Mỹ - Diệm.

Địch tập trung xây dựng thị xã Biên Hòa thành một cứ điểm, một trung tâm đầu não quân sự, chính trị ở miền Đông Nam bộ, chúng thiết lập những cơ quan như: Nha đặc cảnh miền Đông, trung tâm huấn chính Biên Hòa (Nhà lao Tân Hiệp) và đặc biệt có cơ quan cố vấn viện trợ quân sự Mỹ MAAG ([2][2]); căn cứ quân sự lớn của Mỹ - ngụy cũng được xây dựng và mở rộng thêm: sân bay Biên Hòa, căn cứ sư đoàn 4 dã chiến… Trong vòng hai năm 1955 – 1956, bộ máy kiềm kẹp các cấp của Mỹ - ngụy được tổ chức xây dựng ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh Biên Hòa.

Ngay sau khi Hiệp định Giơ–ne–vơ được ký kết, khắp nơi trong tỉnh Biên Hòa nhân dân hân hoan tổ chức mít–tinh mừng hòa bình, mừng chiến thắng, một lòng tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng: “đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ ([3][3]).

Tết Ất Mùi (1955) Tết hòa bình đầu tiên, nhiều cuộc mít–tinh, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như đua thuyền, múa lân, cúng đình, cúng miễu… được tổ chức một số vùng căn cứ nhằm ca ngợi kháng chiến, mừng hòa bình, biểu dương tinh thần đoàn kết hữu ái trong các tầng lớp nhân dân. Trong khí thế của người chiến thắng, nhiều địa phương công khai treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, căng biểu ngữ trên các trục lộ, các đình, chùa, nhà thờ, nhà hội… Tại một số cuộc mít–tinh, cán bộ còn đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh dân chủ, đòi Mỹ - Diệm thực thi các điều khoản của hiệp định Giơ–ne–vơ để sớm thống nhất đất nước, mong chờ ngày hiệp thương tổng tuyển cử.

Cuối năm 1954 đầu năm 1955, hàng chục cuộc đấu tranh của công nhân cao su đòi dân sinh dân chủ ở các đồn điền trong tỉnh và đến giữa năm 1955 đã trở thành cao trào đấu tranh chính trị sôi động ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ngày 1 tháng 5 năm 1955 cùng với toàn miền, công nhân cao su Biên Hòa dưới sự lãnh đạo của các đồng chí trong Ban công vận Xứ và các huyện ủy Xuân Lộc, Long Thành đã đồng loạt đình công 24 giờ, tổ chức mít–tinh tại các trung tâm đồn điền An Lộc, Bình Sơn… đưa ra một số yêu sách ([4][4]).

Cuộc đấu tranh bước đầu giành được thắng lợi, giới chủ đồn điền buộc phải giải quyết một số yêu sách của công nhân. Ngày Quốc tế lao động, hàng ngàn công nhân cao su Biên Hòa từ các đồn điền tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề kéo về Sài Gòn phối hợp với công nhân cao su toàn miền Đông Nam bộ biểu tình thị uy đưa bản kiến nghị với 16 yêu sách buộc chính quyền Diệm, các chủ sở và đại diện công nhân ký vào văn bản. Đây là thắng lợi vô cùng to lớn của đội ngũ công nhân cao su miền Đông Nam bộ trong tiến trình đấu tranh đòi thực hiện các quyền lợi dân sinh dân chủ.

Trong thời gian này, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân đòi các quyền dân sinh dân chủ, chống bọn cường hào, tư sản và ngụy quyền cướp ruộng đất nổ ra ở hầu khắp các huyện trong tỉnh.

Huyện ủy Long Thành vận động tổ chức hàng trăm nông dân kéo xuống quận lỵ, đấu tranh quyết liệt với địch, không cho chúng cướp 300 ha để mở rộng vùng kiểm soát kho đạn Thành Tuy Hạ.

Công nhân các nghiệp đoàn ở thị xã Biên Hòa, liên tục đấu tranh. Nghiệp đoàn xích lô phản đối cảnh sát bắt phạt vô cớ, đòi lập bến bãi đậu xe và hạ giá thuê xe. Nghiệp đoàn tạp phẩm chợ Biên Hòa đòi giảm thuế hoa chi. Nghiệp đoàn xe đò đòi tăng lương và không được vô cớ sa thải thợ máy và lái xe. Phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy cưa BIF phát triển mạnh. Kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, nghiệp đoàn lao động nhà máy cưa vận động công nhân đưa yêu sách lương tối thiểu cũng phải nuôi được 1 vợ 3 con, đòi thực hiện ngày làm 8 giờ, mỗi tuần làm 6 ngày, nếu ngày chủ nhật, ngày lễ thì hưởng tiền phụ trợ gấp đôi. Bọn chủ nhân nhượng và để “xoa dịu” tinh thần công nhân nên nhanh chóng chấp nhận yêu sách. Một thời gian sau, nghiệp đoàn yêu cầu chủ hãng xây dựng trường học cho con em thợ có kết quả.

Ngày 1 tháng 5 năm 1955, ở Biên Hòa, nghiệp đoàn lao động BIF tổ chức một đoàn biểu tình hơn 600 người gồm thợ và nhân dân các ấp xung quanh: Tân Mai, Lân Thành, Vĩnh Thị… về sân bóng đá Biên Hòa dự cuộc mít–tinh do Tổng liên đoàn lao động tổ chức.

Từ tháng 6 năm 1955 nhân dân Biên Hòa gửi hàng trăm bản kiến nghị, đến trụ sở Ủy hội quốc tế đấu tranh, bày tỏ nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Ngày 20 tháng 7 năm 1955, kỷ niệm một năm ngày ký Hiệp định Giơ–ne–vơ, hàng ngàn truyền đơn được rãi khắp nơi công bố công hàm của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đòi lập quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc. Hàng chục khẩu hiệu, cờ Đảng, cờ Tổ quốc xuất hiện.

Ngày 20 tháng 7 năm 1955, tỉnh trưởng Biên Hòa tổ chức một cuộc mít–tinh tại trường Nam tiểu học (nay là trường Nguyễn Du) phô trương thanh thế, xuyên tạc nội dung hiệp định Giơ–ne–vơ, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thị ủy Biên Hòa, các nhóm, đoàn viên thanh niên lao động bí mật rải hàng trăm truyền đơn ngay tại sân lễ và các đường phố trong thị xã và chiều tối gây tiếng nổ trước Ty cảnh sát làm thất bại cuộc mít–tinh do địch tổ chức.

Ngày 23 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm bày trò ”trưng cầu dân ý” nhằm truất phế Bảo Đại. Tỉnh ủy Biên Hòa vận động quần chúng tẩy chay bầu cử. Đêm 22 rạng 23 tháng 10 năm 1955, lực lượng vũ trang Biên Hòa (lấy danh nghĩa lực lượng Bình Xuyên ly khai) nã đạn vào sân bay Biên Hòa, gây hoang mang bọn tề ngụy ở địa phương. Nhân dân Biên Hòa bằng nhiều hình thức không tham dự bầu cử, địch phải huy động binh lính và cảnh sát đến từng xóm ấp, khu phố buộc đồng bào đến hòm phiếu. Nhiều người bỏ cả hình Diệm lẫn Bảo Đại vào thùng phiếu hoặc xé rách, quệt bả trầu vào hình Diệm. Tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm ra dụ số hai tước quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, buộc nông dân phải làm khế ước ruộng đất với địa chủ, truy nộp đủ thuế trong những năm kháng chiến, thu hồi số ruộng đất mà cách mạng đã cấp phát cho nông dân. Ngày 4 tháng 3 năm 1956, Mỹ - Diệm tổ chức bầu cử Quốc hội bù nhìn. Tỉnh uỷ Biên Hòa chỉ thị các cấp vận động nhân dân chống lại, hàng ngàn truyền đơn tố cáo âm mưu thủ đoạn của giặc được rãi nhiều nơi. Tại thị xã Biên Hòa, đêm 3 tháng 3 năm 1956, các tổ đoàn viên thanh niên lao động đã dùng khoai môn kẻ khẩu hiệu trên các trục đường nhựa ([5][5]), dán nhiều áp phích kêu gọi nhân dân tẩy chay bầu cử. Rút kinh nghiệm lần trước, lính và cảnh sát canh gác nghiêm ngặt ở các thùng phiếu, đồng thời vào từng nhà thúc ép dân đi bầu. Tuy vậy, nhân dân vẫn tìm mọi cách trốn tránh, không đi bỏ phiếu. Nhân dân đấu tranh trực diện với địch, chất vấn, vạch mặt bọn ngụy quyền tay sai, đòi địch phải tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử giữa hai miền, đòi thi hành của Hiệp định Giơ–ne–vơ.

Đầu năm 1956, phong trào đấu tranh chính trị ở Biên Hòa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Công nhân các đồn điền cao su, nhà máy, các nghiệp đoàn và nông dân đoàn kết đấu tranh chống địch cướp đất.

Ngày 7 tháng 7 năm 1956, ở Xuân Lộc, hàng ngàn công nhân cao su ở các đồn điền: Cẩm Mỹ, Ông Quế, Hàng Gòn, Bình Lộc, An Lộc, Dầu Giây… và nông dân các xã Bảo Vinh, Bình Lộc, Gia Ray, Bảo Chánh… tuần hành về Tân Phong và thị xã Long Khánh biểu tình đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, phản đối Mỹ - Diệm khủng bố nhân dân, bắt bớ cán bộ kháng chiến. Ngụy quyền quận Xuân Lộc huy động binh lính, cảnh sát đến đàn áp nhưng đồng bào vẫn hiên ngang hô vang các khẩu hiệu đấu tranh, buộc địch phải rút lực lượng về, cố thủ trong các đồn bót, công sở.

Ngày 7 tháng 7 năm 1956, Ngô Đình Diệm chính thức lên nắm quyền tổng thống, công khai tuyên bố: “không tổ chức tổng tuyển cử”, đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”.

Thời kỳ 1954 – 1956 Đảng bộ Biên Hòa kiện toàn củng cố được hệ thống cơ sở Đảng, xây dựng được mạng lưới cơ sở cách mạng trong công nhân, nông dân và trí thức. Từ đội quân chính trị đông đảo này, Đảng phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ với khẩu hiệu trung tâm là đòi các quyền lợi dân sinh dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử.

Nổi dậy phá khám Tân Hiệp (12 – 1956):

Đầu năm 1956, Mỹ - Diệm tập trung lực lượng đánh phá cách mạng, đẩy mạnh các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” trên toàn miền Nam. Chúng đánh vào nhân dân mà đối tượng chủ yêu trước mắt là cán bộ, đảng viên, những người kháng chiến cũ và những gia đình cơ sở cách mạng. Chúng hy vọng dùng bạo lực bắt nhân dân phát hiện, tố cáo cán bộ, đảng viên. Mỹ - Diệm mở đầu chính sách “tố cộng, diệt cộng” bằng nhiều hình thức: chúng tuyên truyền xuyên tạc lịch sư, phủ định công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và thanh lọc chia dân để kiểm soát.

Tháng 7 năm 1956, Mỹ - Diệm mở chiến dịch Trương Tấn Bửu đánh phá khốc liệt nhằm đàn áp phong trào và tiêu diệt cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng. Chúng dùng lực lượng chủ lực kết hợp với bọn bảo an dân vệ, công an cảnh sát chà đi xát lại hầu hết các xã ấp ở Biên Hòa, tập trung là các đồn điền cao su, các vùng căn cứ kháng chiến ở Tân Uyên, Vĩnh Cửu, Long Thành… Nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh Biên Hòa sa vào tay giặc. Hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng cơ sở khắp các huyện thị ở Biên Hòa bị bắt bớ, tù đày.

Nhà tù Tân Hiệp mà chế độ Mỹ - Diệm gọi là “Trung tâm huấn chỉnh Biên Hòa” có diện tích 3.600 m2 nằm cạnh quốc lộ 1 đối diện Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, cách trung tâm thị xã Biên Hòa 2 km về phía Đông. Đây là một trong sáu nhà tù lớn của địch ở miền Nam nước ta lúc bấy giờ. Sau Hiệp định Giơ–ne–vơ, Mỹ - Diệm đã bắt hàng ngàn cán bộ đảng viên, đồng bào yêu nước khắp miền Nam giam giữ tại đây. Đến thời điểm tháng 12 năm 1956 nhà tù Tân Hiệp địch giam 1.872 người trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước.

Trước những hành động khủng bố, tàn sát ngày càng trắng trợn của Mỹ - Diệm, thực lực cách mạng ngày càng tổn thất nghiêm trọng. Không ảo tưởng trong cuộc “đấu tranh chính trị đơn thuần” đối với kẻ thù ngày càng lộ rõ bộ mặt phát xít, từ giữa năm 1956, Đảng ủy nhà tù Tân Hiệp (Biên Hòa) chủ trương tổ chức phá khám trở về với cách mạng, với nhân dân.

Tháng 11 năm 1956, phương án nổi dậy phá khám Tân Hiệp hoàn thành. Công tác chuẩn bị được tiến hành chặt chẽ và chu đáo. Đội xung kích gồm những đồng chí khỏe mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu do đồng chí Nguyễn Văn Cội, nguyên huyện đội phó huyện Củ Chi làm đội trưởng, đồng chí Lê Minh Toàn làm chính trị viên. Tổ liên lạc có 6 người do đồng chí Ngô Văn Quảng, Bí thư huyện ủy Vĩnh Cửu làm tổ trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Chuộng được Đảng ủy cử làm trưởng đoàn tù vượt ngục trở về căn cứ.

Giờ G, phá khám ấn định là chiều ngày chủ nhật 02 tháng 12 năm 1956.

Chiều chủ nhật, nhà tù Tân Hiệp vẫn trong không khí bình lặng như mọi ngày. Sinh hoạt của tù nhân vẫn diễn ra theo giờ giấc qui định của trại. Sau buổi cơm chiều, đúng 17 giờ 30 đài phát thanh Sài Gòn phát chương trình cổ nhạc. Anh chị em tù nhân tập trung ngồi trước cửa trại vừa nghe nhạc vừa đợi giờ vào trại. Một số anh em còn lảng vảng quanh sân, gần cột cờ và các bót gác.

17 giờ 40 phút, tất cả các đồng chí trong lực lượng xung kích đều ở trong tư thế sẵn sàng. Các tổ chiến đấu áp sát những mục tiêu đã được phân công.

Đúng như phương án tác chiến giờ đổi gác là lúc địch có nhiều sơ hở. Ngày chủ nhật cũng là thời điểm mà binh lính có nhiều chểnh mảng hơn ngày thường. Chín tháp canh xung quanh trại giam theo qui định phải có 3 lính gác thường trực, gác cổng 3 người, cộng tất cả là 30. Nhưng thực tế cuộc giao ca gác vào buổi chiều ngày chủ nhật này mỗi tháp chỉ còn một lính canh. Kho vũ khí có khoảng 9 – 10 tên lính, hết phiên trực đã nộp súng đạn vào kho và ngồi tán gẫu. Toàn bộ lính trực trong thời điểm này chỉ còn 12 tên. Số còn lại đều về với gia đình ở trại C hoặc la cà trong các hàng quán.

17 giờ 50 phút, sau tiếng kẻng báo tù nhân vào trại thì tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp nơi. Xung kích nhanh chóng tiến thẳng đến mục tiêu. Tổ xung kích do các đồng chí Lê Toàn Thư, Tư Tăng, Cội, Mìn, Nhàn, Sỏi, Còn Lém… xông thẳng vào kho vũ khí bắt trói trưởng toán gác lấy toàn bộ vũ khí. Bọn lính kế bên hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Cùng lúc đó một tổ xông thẳng đến nhà tên giám đốc Tính. Vợ hắn la hoảng, tên công an tài xế chạy đến ứng cứu bị anh em ta đánh gục. Một bộ phận xung kích xông thẳng vào trại giam bắt trói tên thượng sĩ chỉ huy lính bảo an và cắt dây điện thoại.

Phải mất mấy phút sau cánh cổng mới mở được. Anh em tù nhân từ các trại D, E, G ào ạt tuôn ra cửa. Trước làn sóng người tràn ra như nước vỡ bờ, tên lính gác bên ngoài cổng chính giương súng bắn, lập tức bị một xung kích quật ngã và đoạt lấy súng. Dòng người tuôn ra cửa mỗi lúc một đông. Một số anh chị em không được phổ biến trước cũng vội vàng chạy theo. Cánh cổng chính trại giam thay vì khi mở kéo vào nhưng trong lúc vội vàng tù nhân lại cố sức đẩy bật ra nên chỉ mở được một cánh, cánh kia chỉ hé được một phần gây ùn tắc, một số anh em kênh nhau nhảy vọt qua hàng rào. Tiếng hô xung phong vang dội, tiếng gọi nhau, tiếng chân chạy rầm rập của hàng trăm người. Lúc đầu lực lượng xung kích của ta hoàn toàn làm chủ tình hình. Hơn 15 phút sau bọn chúng mới hoàn hồn, vội vã nổ súng phản kích và truy đuổi. Tên trung sĩ Đặng Đức Tài, phó chỉ huy lính bảo an trèo lên tháp canh số 1 cùng tên lính gác dùng trung liên bắn xối xả ra hướng cổng trại và sân banh. Tiếp đó tên thượng sĩ Lê Văn Huề cũng ra lệnh cho tên lính ở tháp canh số 2 bắn chéo ra ngoài lộ 1.

Theo kế hoạch của ta thì khi dứt điểm hoàn toàn các mục tiêu bên trong, lực lượng xung kích nhanh chóng chuyển ra ngoài triển khai chốt chặn ở hai đầu đường, dùng súng cướp được bắn áp chế các tháp canh số 1 và số 2 để yểm trợ anh chị em tiếp tục chạy thoát. Do có sự ùn tắc ngoài dự kiến, nên không thực hiện được phương án.

Khi địch nổ súng, một bộ phận xung kích gồm các đồng chí Nguyễn Chiến Lũy (Hai Thông), Phạm Văn Rô, Tân, Thức… đang vận động về phía sau trại E, quay súng bắn kiềm chế hai tháp canh (tháp 1 và 2) nhằm hút hỏa lực địch về phía sau.

Trước làn đạn xối xả của địch, số anh chị em ta chạy ra sau trúng đạn gần 30 đồng chí vừa hy sinh, vừa bị thương nằm trước cổng trại, bên ngoài sân banh và ven bờ suối.

Cuộc nổi dậy phá khám nổ ra trong vòng 40 phút. Đến 18 giờ 30 số tù nhân còn lại bị địch gom vào các trại, binh lính canh giữ nghiêm ngặt.

Sau khi thoát khỏi trại giam, đoàn vượt ngục chia làm nhiều cánh để tìm về căn cứ. Mặc dầu địch tăng cường lực lượng truy đuổi, phục kích bố ráp gắt gao, nhưng không một ai nản lòng, có 462 đồng chí thoát được trở về tới căn cứ.

Gần 500 cán bộ, đảng viên với 41 khẩu súng các loại thu được là nguồn bổ sung vô giá cho phong trào vũ trang Đồng khởi ở miền Nam.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, đây là cuộc nổi dậy phá khám để tự giải phóng có quy mô lớn nhất, đưa được số lượng lớn cán bộ nòng cốt của Đảng về với cách mạng và cướp được số lượng vũ khí nhiều nhất.

Đánh sân bay Biên Hòa:

Tháng 9 năm 1964, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đẩy mạnh tiến công và nổi dậy: tiến lên giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong một vài năm tới.

Ngày 10 tháng 10 năm 1964, Quân ủy quân sự Trung ương chỉ thị mở đợt hoạt động mùa khô 1964 – 1965 trên khắp chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực ngụy, kết hợp tiêu hao rộng rãi, thúc đẩy sự tan rã của lực lượng địch, phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp, giành thêm nhiều nhân lực, mở rộng vùng giải phóng, thu hẹp vùng kiểm soát của địch, đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, làm tăng thêm sự khủng hoảng chính trị và mâu thuẫn nội bộ địch.

Bộ Chỉ huy quân sự Miền Nam (B2) chủ trương mở chiến dịch tiến công tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng. Hướng tập trung là các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh.

Tháng 10 năm 1964, Tỉnh ủy Biên Hòa tiến hành Đại hội tại căn cứ Suối Cả (Long Thành). Kể từ 1954, đây là lần đầu tiên Biên Hòa tổ chức Đại hội tỉnh Đảng bộ. Đồng chí Phan Văn Trang (Năm Trang) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Trước tình hình mới, khả năng đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh, đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục và Khu ủy miền Đông, Tỉnh ủy Biên Hòa tập trung chỉ đạo việc phát triển lực lượng, chuẩn bị nhân tài, vật lực để đánh Mỹ trên mọi mặt trận, mọi lúc.

Từ tháng 10 năm 1964, phối hợp với các lực lượng trinh sát Miền, Tỉnh ủy, Thị ủy Biên Hòa chỉ đạo kết hợp điều nghiên địa hình, bố phòng sân bay Biên Hòa và chuẩn bị trận địa cho lực lượng pháo binh Miền và quân khu tấn công địch.

Sân bay Biên Hòa cách Sài Gòn 30 km về phía Đông Bắc là một trong những sân bay quân sự lớn nhất của Mỹ - ngụy ở miền Nam, rộng khoảng 49 km2 với 2 đường băng dài 3.600 mét và 1.000 mét. Sân bay được trang bị hệ thống rađa, hệ thống chỉ huy liên lạc tối tân. Bên trong sân bay có 6 khu rộng chứa từ 170 – 190 máy bay, thường xuyên có 500 sĩ quan, phi công, nhân viên kỹ thuật và hàng trăm binh lính Mỹ - ngụy đồn trú bảo vệ. Hệ thống phòng thủ sân bay được địch bố trí kiên cố và nghiêm ngặt gồm nhiều lớp hàng rào kẽm gai với chiều rộng gần 1 km, bãi min, lựu đạn dày đặc và nhiều lô cốt, bót gác xung quanh. Ban đêm, sân bay được soi sáng bằng một hệ thống đèn pha cực mạnh. Lực lượng bảo vệ sân bay gồm đại đội pháo binh, một đại đội xe tăng, một tiểu đoàn quân khuyển (100 con chó béc giê). Bên cạnh sân bay là sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy, bên ngoài sân bay có một tiểu đoàn quân Mỹ và một tiêu đoàn lính bảo an ngụy thường xuyên tuần tra canh gác.

Bộ chỉ huy Miền chỉ định các đồng chí Lương Văn Nho (Hai Nhã) và Nguyễn Văn Bứa (Hai Hồng Lâm) tổ chức chỉ huy trận đánh. Huyện ủy Vĩnh Cửu huy động gần 100 dân công tham gia tải đạn từ chiến khu Đ để phục vụ cho trận đánh.

Lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu gồm một đại đội cối 81 (7 khẩu), một đại đội DKZ 75 (2 khẩu) của Miền kết hợp một đại đội cối 81 (3 khẩu), một trung đội đặc công tiểu đoàn 800 của quân khu miền Đông (T1), đại đội địa phương tỉnh Phước Thành và lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Cửu, thị xã Biên Hòa.

Chiều 31 tháng 10 năm 1964, từ căn cứ chiến khu Đ, các đơn vị xuất phát, bí mật hành quân đến vị trí tập kết, bố trí trận địa tại Hóc Bà Thức (phường Tân Phong) phía Đông - Bắc sân bay Biên Hòa.

23 giờ 30 đêm 31 tháng 10 năm 1964, pháo cối ta bắt đầu cấp tập bắn vào sân bay. Từng cụm lửa bốc cháy sáng rực cả một góc trời. Cả thị xã Biên Hòa và các vùng phụ cận rung lên vì những tiếng nổ long trời lỡ đất. Chỉ trong vòng 15 phút gần 130 quả đạn cối rơi gọn và chính xác xuống các mục tiêu, phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57, loại máy bay tối rân của Mỹ lúc bấy giờ mới đưa từ Philipin chuẩn bị gây tội ác ở miền Bắc, 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám (U2), diệt và làm bị thương 253 tên địch, thiêu hủy và nổ tung hoàn toàn 2 kho đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát và 18 căn trại lính. Địch không kịp phản ứng, ta rút về căn cứ an toàn.

Sáng 1 tháng 11 năm 1964, Tay – lơ đại sứ Mỹ từ Sài Gòn tức tốc đến sân bay Biên Hòa, thốt lên: “Rõ ràng Việt Cộng làm một việc chưa hề có…” và “Tôi không muốn nhìn thấy cảnh tượng này nữa”. Báo Thế giới Tây Đức nhận xét rằng: “Trận đòn của Việt Cộng đánh vào sân bay của Mỹ ở Biên Hòa làm cho các nhà quân sự ở Hoa Thịnh Đốn rất đau đầu. Người ta cho rằng không còn có gì thêm nữa, Việt Cộng cũng có khả năng lập lại cuộc tấn công như vậy vào các vị trí quan trọng khác trong khi không bị thương vong một người nào. Việt Cộng ở Biên Hòa đã thực hiện một điều lý tưởng về chiến thuật quân sự là dùng phương tiện tối thiểu để thu được kết quả tối đa và gây tác hại hàng chục triệu đô la cho không quân Mỹ”.

Đây là một trận đánh táo bạ, bất ngờ. Lần đầu tiên, pháo binh Miền đã tận dụng yếu tố bí mật, kết hợp với lực lượng địa phương và phong trào quần chúng, mở đầu hàng loạt trận pháo kích vào các mục tiêu chiến lược quan trọng của Mỹ - ngụy.

Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân Biên Hòa. Cuộc tiến công và nổi dậy tuy không đạt được mục tiêu “giành thắng lợi quyết định”, giành quyền làm chủ hoàn toàn của dân, nhưng đã thể hiện được tinh thần, quyết tâm của quân dân ta. Cùng toàn miền Nam, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 của quân dân Biên Hòa, Long Khánh, Phân khu 4 góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy ở miền Nam Việt Nam.

Chiến thắng tại sân bay Biên Hòa làm nức lòng quân dân cả nước. Lực lượng pháo binh Miền được tặng thưởng Huân chương quân công hạng nhất, huân chương cao nhất lần đầu tiên được tặng thưởng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác Hồ kính yêu đã viết bài ca ngợi chiến thắng này trên báo Nhân dân số 3878 ngày 12 – 11 – 1964:

Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng trống thắng lay lầu trắng

- Đã biết bao thế hệ cha anh đổ xương máu xuống mảnh đất Biên Hòa này để mang lại sự tự do, hạnh phúc cho biết bao con người nơi đây. Họ không ngại gian khó, khổ sở mà nắm chắc tay súng, mong muốn đem lại hòa bình cho đất nước.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
NT
Xem chi tiết
DU
Xem chi tiết
TT
Xem chi tiết
MC
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
KT
Xem chi tiết
Xem chi tiết
HT
Xem chi tiết
TH
Xem chi tiết