Bài viết số 5 - Văn lớp 6

H24

Tả cảnh Tết về, trong nhà em, quê hương em

Gợi ý cho mình cần tả những gì nhé đừng chép trên mạng nhé & mình sẽ tick cho bạn nào viết hay và không chép trên mạng , nhanh nhất, làm xong trong ngày hôm nay nhé ! hihi

ND
1 tháng 2 2017 lúc 14:45

Chỉ còn ba ngày nữa là đến Tết. Hôm nay là phiên chợ giáp Tết. Khác với mọi lần, từ tờ mờ sáng người ta lũ lượt kéo nhau đi chợ. Tiếng lợn kêu “eng éc”, gà vịt cũng góp phần cho bản nhạc “chợ Tết”, những tiếng “quạc quạc, két két” nghe ầm ĩ làm tôi thức giấc.

Rửa mặt xong và làm mấy củ khoai lang “điểm tâm” tôi theo mẹ đi chợ. Trời ơi, người đông như hội, hàng hóa bày tràn lên cả mặt đê: lợn, gà, thịt, cá tiếp đến là những thứ để làm bánh Tết, như gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, lá chuối. Bên cạnh đó là hàng mứt, hàng đường, chè khô Thái Nguyên, rồi đến các thứ tranh ảnh treo Tết: lịch, câu đối, tranh lợn, gà, đám cưới chuột, mấy cô thiếu nữ thổi sáo, đánh đàn. Nối theo dãy hàng đó là quần áo trẻ con đủ các mẫu, các kiểu đẹp quá. Mẹ cũng mua cho tôi một bộ. Tôi rất tiếc không, đi xem được nhiều vì chợ đông quá, chen lấn đi rất chậm, như nhích dần từng bước nên mới chỉ xem được có một góc chợ mà đã gần mười hai giờ, đành phải về đi học buổi chiều.

Sau buổi học về, tôi thấy gia đình đang tấp nập chuẩn bị đón Tết. Ong và bố tôi thì gói bánh chưng, anh tôi thì đang giã giò, sau đó còn gói giò mỡ, giò thủ. Tôi được cắt cử lấy chanh và tro đánh sáng đồ thờ bằng đồng. Một lúc sau lại là buổi hòa âm nghe rất vui tai. Nồi bánh chưng sôi kêu “ùng ục”, tiếng giã giò “bí ba, bí bốp” nghe thật vui tai - quả là vui như Tết.

Buổi tối hôm ấy mới vui, cả nhà ngồi xung quanh nồi bánh chưng nói chuyện râm ran. Ông kể chuyện sự tích “Ông đầu rau”, bà và mẹ tôi vừa chẻ lạt vừa kể lại cái Tết nào ngày xửa, ngàyxưa.. khi chưa có tôi... cả cái Tết chỉ có một vại dưa, một nồi cá kho và mấy bơ gạo tẻ... Thế mà Tết này nào bánh chưng, chả giò, nào thịt gà, cá nướng, ông tôi cười nói: “Bà hay nói chuyện xưa lắm”. Bà tôi nói như phân trần: “Thì ăn cơm mới nói chuyện cũ mà ông”.

Nhìn lên bàn thờ tôi thấy ông tôi trang hoàng rất đẹp. Hai bên là hai câu đối đỏ viết bằng chữ nho tôi không đọc được, nhưng trên bức tường vôi trắng dán la liệt những bức tranh “Đông Hồ”.

Thấy tôi nhìn mãi lên những bức tranh đó, ông tôi chỉ vào từng bức tranh giải thích cho tôi.

Đây là hai bức tranh “lợn có khoáy âm dương” và “gà mẹ đang nuôi con”. Dán lên để cầu mong sang năm mới nhà chăn nuôi thắng lợi, lợn đẻ sai con, gà không bệnh tật. Đây là bức tranh đám cưới chuột vừa cầu mong làm ăn vui vẻ vừa tố cáo anh mèo ăn hối lộ “một con cá rán” mới cho tổ chức cưới xin.

Còn đây là ông Tài, ông Lộc để cầu mong cho gia đình mình sang năm làm ăn phát đạt bằng mười năm trước.

Về khuya tôi buồn ngủ quá nằm xuống chiếu giữa cạnh nồi bánh chưng. Âm quá tôi ngủ luôn...

Tôi đang mơ cái gì đó như đang lạc vào một vườn hoa đầy màu sắc bỗng bị con ong đốt vào tay, tôi giật mình tỉnh dậy thì trong tay là cái bánh chưng con còn nóng anh tôi dúi cho tôi. Tôi sướng quá reo lên: Ôi Tết đã đến thật rồi... Tôi vội rửa mặt, thay quần áo tới thăm thằng Hoàng, bạn tôi, nhà nó nghèo lắm vì năm nay nhà nó mất mùa riêng, ở ruộng đồng trũng mất hết lúa vì lụt. Mẹ nó lại bị ốm mấy tháng nay không ngồi dậy được. Chắc gì đã có cái Tết vui vẻ như nhà tôi.

Bình luận (0)
TP
2 tháng 2 2017 lúc 12:43

Có lẽ trong một năm thì những ngày Tết là ngày được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê tôi, người ta mất cả tháng trời để chuẩn bị đón Tết. Và những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm.

Chuẩn bị đón Tết, nhà nào cũng sắm sửa thật chu đáo. Từ đầu cho đến cuối thôn, nhà nào cũng sắm sửa đào, quất để chưng đón Tết. Những cành đào hồng thắm, những trái quất vàng ươm sai trĩu cành, nào những hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền, lay ơn đủ màu sắc góp nên một không khí Tết rộn ràng. Mọi người rủ nhau đi chợ mua lá rong, mua giang chẻ lạt, rủ nhau cùng dọn ngõ xóm, nhà cửa chu toàn.

Người lớn háo hức, trẻ con lại càng háo hức hơn. Những đứa trẻ theo mẹ đi chợ Tết, đôi má hồng hây hây ướm thử vào bộ quần áo mới trông chúng mới dễ thương làm sao. Tết còn là niềm vui khi chúng được nhận những phong bao lì xì đỏ, được mặc quần áo mới, được ăn nhiều món ăn ngon và có lẽ thích nhất với chúng là … Tết không phải đến trường! Đó cũng là một trong những lý do mà trẻ con thích Tết hơn người lớn.

Vào những ngày đầu năm mới, mọi người tới nhà nhau và chúc nhau một năm mới những điều tốt đẹp nhất. Không những thế, người ta thường nói đến những chuyện vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. Khóc lóc hay giận dữ là một trong những điều kiêng kị trong những ngày đầu năm, vì người ta cho rằng, như vậy sẽ xui xẻo cả năm. Chính vì thế mà ngày Tết ở quê hương tôi đâu đâu cũng thấy những tiếng cười vui vẻ, giòn tan. Những tiếng cười ấy thực sự xuất phát từ tâm chân tình chứ không phải là giả tạo, bởi lẽ, người làng tôi xưa nay sống với nhau rất tình nghĩa.

Những ngày Tết, nhà nào cũng thấy phảng phất khói hương nghi ngút và những mâm cỗ đầy những món ngon mà thường ngày không có. Nhà tôi, mẹ cũng chuẩn bị những món ăn thật ngon để sắp làm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Mẹ bảo rằng, ngày Tết ông bà sẽ về thăm con cháu, ăn bữa cơm đầu năm với con cháu cho nên mẹ làm những món ngon nhất để dâng lên các cụ với tất cả lòng thành kính và cầu mong ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho cả gia đình mình có thêm sức khỏe và gặp nhiều điều may mắn hơn. Có lẽ vì thế mà trong tâm tưởng của tôi, những sáng đầu năm luôn là những thời khắc linh thiêng nhất. Khi đó, cả gia đình tôi cúi cẩn trước ban thờ tổ tiên để cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong tương lai.

Ngày Tết ở quê tôi thực sự là những ngày đáng nhớ nhất trong năm. Đó không chỉ là những ngày bắt đầu một năm mới mà còn là ngày gia đình đoàn tụ, là ngày mà mọi buồn lo trong năm tan biến hết, thay vào đó chỉ có tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc. Ngày Tết cổ truyền thực sự là một nét văn hóa đậm đà bản sắc của người Việt Nam.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
NA
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
NC
Xem chi tiết
HL
Xem chi tiết
NL
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
PH
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
NA
Xem chi tiết