Càng xuôi dòng về hướng mũi Cà Mau, du khách như lạc vào thế giới mênh mông sông nước: "Sông ngòi kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện".Cảnh sắc thiên nhiên bát ngát một màu xanh vô tận. Có "trời xanh", "nước xanh" và "chỉ toàn một sắc xanh cây lá". Tất cả "quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu" của rừng tiếp trời, sông tiếp biển. Giữa màu xanh baola ấy là "tiếng rì rào bất tận" của rừng xanh, là "tiếng sóng rì rào" của biển Đông, của vịnh Thái Lan vọng về trong "hơi gió muối".
Một thế giới hoang sơ, hoang dã mở ra bao địa danh xa lạ ở vùng cực nam của Tổ quốc. Tên con kênh, con rạch, tên làng, xã... đều gợi lên một nét riêng về sinh thái, phản ánh một lối sống thuần phác, mộc mạc, hồn hậu của bà con vùng sông nước Cà Mau. Là Chà Là, Cái Keo, sông Bảy Háp. Là rạch Mái Giầm, đôi bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm "chỉxòa ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ".Là kênh Bọ Mắt, nơi tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, bay theo thuyền như những đám mây nhỏ, đốt vào da thịt "ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên". Ai đã một lần qua kênh Bọ Mắt chắc đã nhớ đời? Là kênh Ba Khía, hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, loại còng biển lai cuạ, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ớt ăn rất ngon. Là xã Năm Căn xa xưa chỉ độc có một cái lán năm gian của những người đốn củi hầm than dựng nên. Cà Mau, tiếng Miên nói trại đi thành "Tức khơ mâu", có nghĩa là "Nước đen". Đúng là trang văn Đoàn Giỏi mở rộng tầm mắt ta, làm phong phú tâm hồn ta, trí tuệ ta, để ta yêu thêm miền Nam nước Việt.
"Chèo thoát qua"kênh Bọ Mắt là không còn bị bọ mắt đốt nữa, là "đổra"sông Cửa Lớn mênh mông hơn, rồi "xuôi về" Năm Căn, êm ả hơn. Con thuyền xuôi dòng, vượt qua bao kênh, rạch, dòng sông. Thế giới Năm Căn mênh mông, hùng vĩ, giàu có và dào dạt sức sống: Sông mênh mông, "nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác", cá nước bơi hàng đàn "đen trũi"... Rừng đước là biểu tượng cho vẻ đẹp hoang dã, sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của Cà Mau. Rừng đước “ngọn bằng tăm tắp”, "dựng lên rao ngất như hai dãy trường thành vô tận". Màu xanh của đước là vẻ đẹp, là sức sống Cà Mau: "Màu xanh lá mạ", "màu xanh rêu", "màu xanh chai lọ",... Cách so sánh và cảm nhận của Đoàn Giỏi thật phong phú và đầy chất thơ. Rừng đước Cà Mau như đưa hồn ta vào cõi mộng của màu xanh vô tận "lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóngban mai".Cây đước trong văn Đoàn Giỏi cũng như trong thơ Xuân Diệu đều sâu nặng tình yêu đất nước:
"Những dòng sông lớn hơn ngàn thước
Trùng điệp một màu xanh lá đước
Đước thân cao vút, rễ ngang mình
Trổxuống nghìn tay, ôm đất nước".
Sông nước Cà Mau được trích trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Mở đầu của văn bản là một cảnh sông nước Cà Mau, cảnh quan mảnh đất tận cùng của Tổ quốc trên một vùng sông nước mênh mông, sông ngòi bủa giăng chi chít như mạng nhện và tất cả được bao trùm bởi màu xanh cây lá. Màu xanh của trời, nước và rừng cây bất tận. Màu xanh đã lấn chiếm không gian nên nó trở thành đơn điệu, không hài hòa màu sắc thiên nhiên. Cùng với màu xanh ấy là âm thanh từ rừng cây, sóng biển. Nó triền miên rì rào trong hơi gió muối, một thứ âm thanh ngày đêm không ngớt vọng về. Tiếp theo là kênh rạch ở Cà Mau được tác giả kể lại qua những cái tên lạ và những lời giải thích thú vị. Qua cách đặt tên, ta thấy thiên nhiên ở đây còn rất hoang dã nhưng phong phú, con người rất gần gũi thiên nhiên, biết được đặc điểm của từng nơi, từng vùng, từng con kênh, bờ rạch. Nổi bật ở đây là dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên, hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Ôm lấy dòng sông là rừng đước bạt ngàn, rừng đước dựng lên cao ngất như dãy trường thành vô tận. Bức tranh hiện lên với vẻ hùng vĩ, trù phú nhưng cũng còn cái vẻ hoang sơ. Vẻ hoang sơ ấy ẩn chứa trong rừng được trải dài theo bãi, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia cùng với nhiều cung bậc màu xanh tiếp nối. Quả thật là một sự quan sát tinh tế của nhà văn. Bằng sự cảm nhận của thị giác và thính giác, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc những vẻ đẹp riêng biệt và độc đáo của vùng sông nước Cà Mau. Qua các động từ “thoát qua”, “đổ ra”, “xuôi giữa dòng” mà tác giả sử dụng đã giúp chúng ta hình dung được cảnh sông nước ở đây. Muốn tới dòng sông Năm Căn rộng lớn ấy phải qua những con kênh rạch nhỏ rất khó khăn, trắc trở. Hình ảnh xuôi dòng đã diễn tả con thuyền đang nhẹ nhàng xuôi theo dòng nước êm ả sau những phút thăng trầm nơi kênh, rạch. Nghệ thuật miêu tả của tác giả thật đặc sắc, tài tình. Nghệ thuật miêu tả của nhà văn không chỉ dừng lại ở dòng sông Năm Căn mênh mông, rộng lớn ngàn thước, chợ Năm Căn hiện lên thật sinh động. Chợ nằm sát bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập. Chợ họp ngay trên sông nước với những ngôi nhà bè như khu phố nổi. Bằng các chi tiết liệt kê: những đống gỗ cao như núi, những bến vân hà nhộn nhịp dọc dài theo sông; những thuyền đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng… Đoạn văn đã sử dụng nhiều chữ “những” để thể hiện sự trù phú của chợ Năm Căn, nó như kiêu hãnh phô phang sự độc đáo của mình trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Chợ Năm Căn có những nét riêng biệt, hấp dẫn. Đó là những con thuyền bán hàng len lỏi mọi nơi, có thể mua được mọi thứ mà không cần bước ra khỏi thuyền. Những người con gái Hoa kiều bán hàng lởi xởi, những người Chà Châu Giang bán vải, những cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sở, đã điểm cho Năm Căn một màu sắc tươi vui, không còn cái dáng vẻ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu nữa.
Văn bản được khép lại sau cảnh cho Năm Căn và đã gợi ra những suy nghĩ cho người đọc. Tác giả đã đưa chúng ta đến với cảnh thiên nhiên hoang dã mà rất phong phú, sống động, đã truyền cho chúng ta một tình yêu đất nước, yêu mảnh đất tận cùng của Tổ quốc Việt Nam.