Đặt tại Công viên trung tâm thành phố Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh là nơi hội tụ sắc trời thành Vinh và hương biển Cửa Lò, với gió từ núi Hồng, núi Quyết và sông Lam, Bến Thủy, đồng thời lại tạo được vẻ hài hòa với không gian, kiến trúc của thành phố. Tượng đài Bác Hồ cao 12m bằng đá hoa cương dựng theo mẫu của nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn gây ấn tượng sâu sắc đã được lựa chọn trong nhiều mẫu dự thi. Tượng đài được đặt trên đế, bệ và khán đài cao gần 6m ốp đá hoa cương. Hình ảnh của Bác uy nghi mà giản dị, vẫn phong thái ung dung tự tại, chiếc áo đại cán đã phai màu, đôi dép cao su quen thuộc như ngày nào Bác về thăm quê giữa cánh đồng vàng trĩu bông. Với hai cây hoa đại bên chân tượng, 35 cây cau vua, gần 100 cây cau, 14 cây vạn tuế, 11 chậu hoa sứ, kiến trúc tượng đài càng thêm phần trang trọng, hài hòa, hoành tráng mà gần gũi với nhân dân.
Đặc biệt hơn cả, toàn bộ tượng đài dựa lưng vào dãy núi Chung (mô phỏng từ núi Chung ở huyện Nam Đàn), một địa danh đã gắn bó với Bác Hồ từ thuở ấu thơ. Nơi đây, thời niên thiếu, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng với bạn bè đã từng mải mê với cánh diều trong những chiều hè lộng gió. Ban đầu, việc đắp núi giữa lòng thành phố gặp không ít lời phản đối, nghi ngờ cho là chuyện ảo tưởng, nhưng cuối cùng ý tưởng vừa thiết thực vừa lãng mạn ấy đã được triển khai. Người ta lấy đất từ Nam Đàn để đắp nên thành núi. Cây tre, trúc, cỏ lấy từ 61 tỉnh, thành phố trong cả nước tạo cho núi một màu xanh bao phủ. Du khách có thể dễ dàng lên núi Chung để ngoạn cảnh bằng những lối mòn được lát đá đỏ từ mỏ đá Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An). Đứng trên mỏm núi cao 11m có thể nhìn bao quát cả quảng trường. Sân hành lễ dài 100m, rộng 80m, có sức chứa khoảng 30.000 người được chia thành 99 ô cỏ. Dưới sân hành lễ được bố trí một hệ thống thoát nước, hệ thống ống và vòi phun để tưới nước cho cỏ. Phía ngoài cùng giáp bùng binh là sân bán nguyệt có thể làm một sân khấu khổng lồ. Hồ nước với đài phun nước nghệ thuật nhạc và nước màu hiện đại không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người tham quan mà còn làm dịu mát không khí nắng nóng trong những ngày hè.
Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa, xã hội của người dân xứ Nghệ, một điểm đến của du khách muôn phương mỗi khi hành hương về quê Bác và sẽ là chốn dừng chân thật ý nghĩa vào mỗi dịp sinh nhật của Người khi không gian nơi đây ngập trong hương sen thơm ngát.
Khu nhà của Ban quản lý quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh (BQL) nép mình dưới chân tượng đài, giữa một vườn ươm tốt tươi hoa lá. Anh Thái Huy Phú, trưởng phòng Nghiệp vụ và là một trong số 27 cán bộ BQL, đang “cộng sổ” - không phải là những con số thu - chi mà là số lượng người đã tới thăm quảng trường kể từ ngày khánh thành. Chuyển cho khách bản báo cáo kết quả hoạt động của BQL trong năm 2003 và 4 tháng đầu năm 2004, anh nói: “Ngay cả chúng tôi cũng không ngờ được số lượng người đến dâng hoa, thăm tượng đài nhiều đến vậy. Anh tưởng tượng xem, không tính số khách lẻ thì 7 tháng cuối năm 2003 đã có khoảng 3.500 đoàn tới đây, trong đó có 11 đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng chục đoàn của lãnh đạo các bộ, ngành. Chúng tôi cũng đã được đón nhiều đoàn khách quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài”. Nếu tính chi li, kể từ ngày Quảng trường Hồ Chí Minh khánh thành tới hết năm 2003, BQL đã phục vụ gần nửa triệu khách từ xa tới, chưa kể 2,5 triệu lượt người Vinh tối tối tới quảng trường vui chơi thư giãn. Còn trong 4 tháng đầu năm 2004, người ta tính được đã có 1.500 đoàn khách (200.000 lượt người) và hơn 1 triệu lượt khách lẻ đã tới thăm tượng đài Bác - một con số ấn tượng bởi đó là khoảng thời gian mà mùa du lịch ở Nghệ An chưa bắt đầu.
Đối với nhân dân thành phố Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa - kiến trúc đáng tự hào. Ý tưởng xây dựng quảng trường hình thành cách nay 7 năm. Công trình được khởi công từ năm 2000 và hoàn thành sau 3 năm thi công - khoảng thời gian không dài lắm so với tầm cỡ một công trình văn hóa cấp quốc gia có vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng và tính sơ sơ có tới 30 hạng mục lớn nhỏ. Những người theo sát quá trình thi công Quảng trường giờ vẫn còn nhớ cảnh tượng hàng đoàn xe tải nặng vận chuyển 180.000 khối đất từ ngọn núi Dơi ở Nam Đàn (gần khu mộ bà Hoàng Thị Loan) về Vinh để tạo ra ngọn núi Chung mô phỏng. Người Vinh nhận xét rằng ngọn núi ấy không chỉ là điểm tựa cho dáng đứng tượng đài Hồ Chí Minh thêm vững chãi, mà còn thể hiện vòng tay yêu thương ôm ấp cả dân tộc của Người. ở Quảng trường Hồ Chí Minh, ngoài núi Chung thì sân hành lễ rộng mênh mông với 99 ô cỏ và đài phun nước nhạc màu là những hạng mục gây ấn tượng đặc biệt.
Sau lễ khánh thành quảng trường tổ chức vào ngày 19-5-2003, có khoảng 5 vạn người tới dự, một năm nay, người dân địa phương thực sự coi Quảng trường Hồ Chí Minh là “điểm đến” của mình. Họ đến đây dâng hoa trước tượng đài Bác, thả bộ thư giãn giữa 79 ngọn đèn nến thắp sáng hằng đêm trên ngọn núi Chung mô phỏng. Vào những ngày lễ tết, quảng trường là cả một biển người.
Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, mà còn là địa chỉ quan trọng của du khách trong và ngoài nước trên Con đường di sản miền Trung.
Rất tiếc, mình thậm chí chưa bao giờ để ý rằng ở Việt Nam có thành phố Vinh... :))))
Cảm ơn bạn nhiều nha Khánh Hà