Xóm làng hàng ngày yên lặng là thế. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lại náo nhiệt đến lạ thường. Thanh niên trong làng ở đâu mà nhiều thế. Cứ đến 28 Tết là gọi nhau í ới đi chợ Tết.
Chợ- hàng ngày đã náo nhiệt rồi, Tết về có lẽ nó lại càng náo nhiệt hơn…
Hầu như năm nào tôi cũng đi chợ Tết. Hồi bé, mẹ cho năm đến mười nghìn, rồi mượn anh trai -đi học xa về , cái xe mini để đi chợ. Hồi đó, tiền chưa mất giá nên đi chợ mua được bao nhiêu thứ: mua bánh kẹo ăn, rồi mua nhiều bóng bay nữa chứ. Háo hức lắm vì được đi chợ với mấy đứa bạn, đi cả ngày mới về mà mẹ không mắng vì Tết mà.
Giữa chiều về nhà thì đã thấy bố gói bánh chưng sắp xong, đang chuẩn bị cho bánh vào nồi. “Bố ơi! Làm cho con cái bánh cóc, nhiều thịt, nhiều đỗ nha bố?”. Rồi quay sang dặn anh trai :“Lúc bánh chín anh không được ăn mất phần em đâu đấy???”. Tôi có 2 chị gái, 2 anh trai. 2 chị thì lấy chồng. Tôi là út trong nhà nên được cả nhà cưng chiều.
Tết năm nào cũng thế. Giữa hiên nhà tôi là cây đào hoặc cây quất. Trong nhà thì tôi và mẹ hay trang trí thêm 1 chậu hoa cúc, thêm 1 lọ hoa lay ơn nữa.
Tôi không chỉ rất thích Tết – vì tôi sinh ra vào mùa xuân, mà tôi còn rất thích không khí những ngày gần Tết. Nó thật khó tả. Trong lòng tôi luôn lâng lâng, vui vui, hồi hộp. Tôi rất thích được ngồi canh nồi bánh chưng với anh trai tôi (anh giáp tôi). Ngửi mùi thơm của bánh phả ra. Chao ôi! Thơm ơi là thơm… Ngồi ăn hạt dưa, nghe anh kể chuyện. Rồi cứ như thế cho đến lúc ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chỉ biết khi tỉnh dậy thì bánh đã chín và đang được ép cho cứng bánh.
Rồi tôi cũng rất thích không khí đêm 30 Tết… Cả nhà chuẩn bị đồ ăn. Bữa cơm ngày Tết thịnh soạn. Chắc chắn không thể thiếu món dưa hành- mấy hôm trước tôi đã phải chảy bao nhiêu là nước mắt khi bóc hành. Mọi người ngồi quây quần bên nhau. Bữa cơm Tất niên. Tôi thấy vui lắm vì có đầy đủ thành viên trong nhà.
Gia đình tôi theo Đạo nên hầu như năm nào cũng vậy. Khi gần đến thời khắc Giao thừa thì cả nhà tôi đến nhà thờ đọc kinh. Lúc này mọi người trong xóm đã tụ họp đông đủ, nhất là thanh niên xóm. Xem bắn pháo hoa. Rồi chuông nhà thờ được kéo trong hồi dài.Tôi rất thích ngắm pháo hoa, đủ sắc màu. Chúng tôi reo hò mỗi khi thấy pháo hoa đẹp rồi cùng hô to: “ Happy New Year!!” Hay “Chúc mừng năm mới”. Nói chung những câu đại loại như thế. Sau đó, chúng tôi vào nhà thờ cầu nguyện- cầu mong năm mới nhà nhà mạnh khỏe,an vui, hạnh phúc. Còn tôi? Tôi cầu mong cho gia đình tôi luôn yêu thương, đoàn kết, mong bố mẹ luôn mạnh khỏe, anh em tôi học hành giỏi giang…
Sau khi cầu nguyện xong thì thanh niên xóm chúng tôi tổ chức liên hoan, hát hò… Cứ như thế đến 2 hoặc 3 giờ sáng mới xong. Ngày Tết của quê tôi thật vui.
Sáng ngày mùng 1, cả nhà tôi chuẩn bị quần áo thật đẹp đi chúc Tết ông bà. Tôi được mọi người mừng tuổi. Vui lắm. Đơn giản vì tôi thêm 1 tuổi.
Bây giờ, tôi đang là sinh viên. Mỗi năm về nhà 2 hoặc 3 lần. Có lẽ xã hội phát triển nên bây giờ muốn ăn bánh chưng lúc nào là có lúc đấy. Và có lẽ đi chợ Tết với 5 đến 10 nghìn như tôi ngày xưa thật hiếm. Thế nhưng, với gia đình thì tôi vẫn là cô út ngày nào, còn trẻ con, vẫn hay nũng nịu đòi bố gói cho cái bánh cóc, vẫn đòi anh cho được canh nồi bánh chưng cùng, vẫn cùng mẹ đi chợ mua hoa cúc. Và gia đình tôi vẫn cùng nhau chuẩn bị bữa cơm Tất niên ấm cúng như ngày xưa…
EM HAY MIEU TA NGUOI MA EM GANH TI NHAT
Một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa đều có điểm riêng biệt nhưng mùa nào cũng đẹp, cũng xinh. Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, bắt đầu một năm mới. Mùa hạ là mùa nghỉ ngơi, nóng bức. Mùa thu là mùa tựu trường, bắt đầu năm học mới. Mùa đông là mùa giá rét. ẩm ướt. Trong bốn mùa, mùa mà tôi yêu thích nhất chính là mùa xuân, mùa mà sự sống sinh sôi nảy nở một cách kinh ngạc. Đối với tôi, mùa xuân ở quê tôi là đẹp nhất.
Thế là mùa đông rét mướt đã qua đi. Mùa xuân lại trở về, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, vạn vật tràn đầy sức sống. Nàng tiên mùa xuân đã trở lại trên quê hương tôi một lần nữa. Sáng sớm, những bông hoa trong vườn còn ướt đẫm hơi sương đượcsưởi ấm bằng những tia nắng vàng nhạt của ông mặt trời sau một ngày làm việc mệt mỏi. Công việc của ông nghe sao mà đơn giản vậy: chỉ đi đây đi đó khắp nơi, ban phát ánh sáng của mình cho mọi vật nhưng chúng cũng đủ làm ông mệt. Vì vậy, hôm nay, ông mặt trời của chúng ta đã bị bệnh, ông nhường chỗ cho cơn mưa xuân. Hôm nay, thay ánh nắng chào đón những bông hoa là cơn mưa xuân lất phất. Mỗi loài hoa mang trên mình một vẻ đẹp khác nhau, một hương thơm khác nhau nhưng loài nào cũng đẹp, cũng thơm. Mang trên mình vẻ đẹp kiều diễm và bộ váy dạ hội đỏ thắm, tượng trưng cho tình yêu nồng cháy là nữ hoàng hoa hồng. Loài hoa vương giả theo quan niệm người phương Đông, tượng trưng cho sắc đẹp, trí tuệ là nàng công chúa mẫu đơn xinh đẹp, có vẻ đẹp khuynh nước khuynh thành. Giản dị trong tà áo trắng muốt là nàng hoa huệ thơm ngào ngạt. Đáng yêu như ông mặt trời nhỏ là tiểu thư hướng hương ngây thơ. Đỏ rực một màu hoa râm bụt trong bụi cây ven đường. Thoang thảng đâu đây là mùi sen đồng nội thân thương. Ngoài đồng, tắm mượt cho những bông lúa là mưa xuân nhạt nhòa. Chào đón nàng tiên xinh đẹp là hàng cây khoác trên mình chiếc áo xanh biếc thay cho những cành cây đơn côi, khẳng khiu. Trên phố phường đông vui, nhộn nhịp, dòng người đi lại tấp nập, người đi ngược, kẻ về xuôi, mạnh ai nấy đi. Người đi chợ tết tay cầm nhánh hoa đào đỏ thắm, tươi cười vui vẻ. Tết sắp đến rồi, nhà nào nhà nấy cũng dọn dẹp tươm tất để đón Tết. Những âu lo, buồn phiền trong cuộc sống đều được khép lại để vui vẻ đón một năm mới. Đàn chim én chao lượn trên bầu trời như đang chia vui cùng với nàng tiên. Bất chợt, nàng mỉm cười, một nụ cười hạnh phúc biết bao. Quê tôi có nhiều lễ hội lắm, các bạn ạ! Nhưng tôi lại thích hội Lim nhất. Vào ngày hội Lim, quang cảnh thật nhộn nhịp. Những câu quan họ đối đáp nhau ngọt ngào, tình tứ vang lên. Liền anh mặc áo năm thân, quần trắng, đầu đội khăn xếp, tay cầm ô đen. Liền chị mặc áo tứ thân, mớ ba, mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ, nón quai thao che nghiêng khuôn mặt ửng hồng. Họ hát đối nhau thật nhịp nhàng, tình tứ. Thật xứng với câu: “Trai Cầu Vòng Yên Thế, Gái Nội Duệ Cầu Lim”, con người nơi đây nổi tiếng khéo tay, hay làm. Họ hát hay quá! Hay đến độ du khách nghe xong quên cả đường về.
Quê tôi đẹp quá! Tất cả, tất cả mọi thứ ở đây đã tạo nên bức tranh ngày Tết đẹp tuyệt vời do chính tay những người họa sĩ dân gian vẽ lên. Nười nghệ sĩ đó chính là con người nơi đây: đa tài, đa sắc, khéo tay, hay làm,… và cả nàng tiên mùa xuân nữa. Nàng đã mang lại sức sống mãnh liệt cho vạn vật. Tôi yêu nàng, nàng tiên mùa xuân xinh đẹp ơi!!!
Có lẽ trong một năm thì những ngày Tết là ngày được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê tôi, người ta mất cả tháng trời để chuẩn bị đón Tết. Và những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm.
Chuẩn bị đón Tết, nhà nào cũng sắm sửa thật chu đáo. Từ đầu cho đến cuối thôn, nhà nào cũng sắm sửa đào, quất để chưng đón Tết. Những cành đào hồng thắm, những trái quất vàng ươm sai trĩu cành, nào những hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền, lay ơn đủ màu sắc góp nên một không khí Tết rộn ràng. Mọi người rủ nhau đi chợ mua lá rong, mua giang chẻ lạt, rủ nhau cùng dọn ngõ xóm, nhà cửa chu toàn.
Người lớn háo hức, trẻ con lại càng háo hức hơn. Những đứa trẻ theo mẹ đi chợ Tết, đôi má hồng hây hây ướm thử vào bộ quần áo mới trông chúng mới dễ thương làm sao. Tết còn là niềm vui khi chúng được nhận những phong bao lì xì đỏ, được mặc quần áo mới, được ăn nhiều món ăn ngon và có lẽ thích nhất với chúng là … Tết không phải đến trường! Đó cũng là một trong những lý do mà trẻ con thích Tết hơn người lớn.
Vào những ngày đầu năm mới, mọi người tới nhà nhau và chúc nhau một năm mới những điều tốt đẹp nhất. Không những thế, người ta thường nói đến những chuyện vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. Khóc lóc hay giận dữ là một trong những điều kiêng kị trong những ngày đầu năm, vì người ta cho rằng, như vậy sẽ xui xẻo cả năm. Chính vì thế mà ngày Tết ở quê hương tôi đâu đâu cũng thấy những tiếng cười vui vẻ, giòn tan. Những tiếng cười ấy thực sự xuất phát từ tâm chân tình chứ không phải là giả tạo, bởi lẽ, người làng tôi xưa nay sống với nhau rất tình nghĩa.
Những ngày Tết, nhà nào cũng thấy phảng phất khói hương nghi ngút và những mâm cỗ đầy những món ngon mà thường ngày không có. Nhà tôi, mẹ cũng chuẩn bị những món ăn thật ngon để sắp làm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Mẹ bảo rằng, ngày Tết ông bà sẽ về thăm con cháu, ăn bữa cơm đầu năm với con cháu cho nên mẹ làm những món ngon nhất để dâng lên các cụ với tất cả lòng thành kính và cầu mong ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho cả gia đình mình có thêm sức khỏe và gặp nhiều điều may mắn hơn. Có lẽ vì thế mà trong tâm tưởng của tôi, những sáng đầu năm luôn là những thời khắc linh thiêng nhất. Khi đó, cả gia đình tôi cúi cẩn trước ban thờ tổ tiên để cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong tương lai.
Ngày Tết ở quê tôi thực sự là những ngày đáng nhớ nhất trong năm. Đó không chỉ là những ngày bắt đầu một năm mới mà còn là ngày gia đình đoàn tụ, là ngày mà mọi buồn lo trong năm tan biến hết, thay vào đó chỉ có tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc. Ngày Tết cổ truyền thực sự là một nét văn hóa đậm đà bản sắc của người Việt Nam.