Đề cương ôn tập văn 12 học kì I

TK

Chỉ ra những nét đặc sắc nghệ thuật và tác dụng của nó trong đoạn thơ 5 bài sóng

H24
8 tháng 12 2019 lúc 13:45

Mở bài Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ chị là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hằng ngày, trân trọng, nâng niu cho hạnh phúc bình dị của đời thường. Xuân Quỳnh được xem là một trong số những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền thợ Việt Nam từ sau năm 1975. Tình yêu trong thơ chị vừa nồng nhiệt, táo bạo vừa thiết tha, say đắm, dịu dàng; vừa hồn nhiên, giàu trực cảm vừa lắng sâu những trải nghiệm suy tư. Xuân Quỳnh có rất nhiều bài thơ hay, tiêu biểu là bài thơ “Sóng”. Hai khổ thơ đầu của bài thơ thể hiện quan niệm mới mẻ và khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu :
Dữ dội và dịu êm
........................
Bồi hồi trong ngực trẻ
Phân tích :Phần khái quát Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế của nhà thơ ở vùng biển Diêm Điền, tỉnh Thái Bình. Bài thơ in trong tập “Hoa dọc chiến hào”( 1968). Bài thơ gồm chín khổ với nội dung miêu tả về sóng biển và diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình “em”, người phụ nữ đang yêu. Đoạn thơ thuộc hai khổ đầu của bài thơ.
Hình tượng sóng và em Hình tượng trung tâm của bài thơ là “Sóng”. Xuân Quỳnh đã nối tiếp truyền thống trong thơ ca là lấy sóng để hình dung tình yêu, đem sóng nước so sánh với sóng tình. Dù tiếp nối truyền thống văn học nhưng “sóng” của Xuân Quỳnh vẫn có những nét độc đáo riêng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình của một người phụ nữ được khơi dậy khi đứng trước biển cả, đối diện với những con sóng muôn trùng. Tác giả nói với mình, nói với người về tình yêu trẻ trung nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.
Trong bài thơ còn có một hình tượng trữ tình nữa, đó là “em”. “Em” cũng là “sóng” mà “sóng” cũng là “em”. “Sóng” là một hình tượng ẩn dụ, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nhà thơ. “Sóng” và “em” vừa hòa nhập làm một, lại vừa phân đôi ra để soi chiếu vào nhau. Tâm hồn của người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để thấy rõ lòng mình, nhờ sóng biểu hiện những trạng thái của lòng mình. Với hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã tìm đuợc một cách thể hiện xác đáng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Với cấu trúc song hành này tạo thành chiều sâu nhận thức và nét độc đáo riêng cho bài thơ.

Bốn câu đầu Ở khổ thơ đầu, từ việc khám phá các trạng thái khác nhau của sóng, tác giả diễn tả các cung bậc của người phụ nữ đang yêu và thể hiện một quan niệm mới mới về tình yêu – yêu là tự nhận thức, là vươn tới cái cao rộng, lớn lao…
Dữ dội và dịu êm
...........................
Sóng tìm ra tận bể
Mở đầu bài thơ là trạng thái tâm lí đặc biệt của một tâm hồn khao khát yêu đương đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Xuân Quỳnh đã diễn tả thật cụ thể cái trạng thái khác thường vừa phong phú, vừa phức tạp trong một trái tim đang cồn cào khao khát tình yêu. Tính khí của người con gái đang yêu, cũng như sóng vậy thôi, vốn mang trong nó nhiều trạng thái đối cực:
“Dữ dội và dịu êm
ồn ào và lặng lẽ”...
Hai câu thơ nắn gọn và giản dị nhưng đã nêu ra được bốn đặc tính vốn có của sóng biện : dữ dội hoà quyện với dịu êm, ồn ào đan xen với lặng lẽ. Những đặc tính này của sóng cũng là những khía cạnh tình cảm thường thấy trong tâm hồn của những người phụ nữ khi yêu, nhất là khi yêu chân thành, tha thiết. Bởi tình yêu tha thiết, chân thành không chịu chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp, đơn điệu, một chiều mà nó phải là sự hoà hợp, sự đan xen của nhiều yếu tố, thậm chí là những yếu tố đối cực nhau: vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất, vừa xung đột, vừa hài hoà để luôn tạo nên những sự hấp dẫn, mới mẻ. Nói về đặc tính này của sóng cũng là để chỉ ra sự tương hợp với trạng thái tâm hồn của những người đang yêu: vẻ ngoài thì bình lặng chứa đựng bên trong những sức mạnh tiềm tàng, những khát khao mãnh liệt; vẻ ngoài sục sôi, dữ dội, che phủ bên trong một trái tim nhân hậu, đằm thắm, yêu mến và chở che. Và một điều đương nhiên nữa là những thuộc tính vốn có ấy của sóng cũng thường không chấp nhận, không thoả mãn với một không gian chật hẹp, xuôi chiều của những dòng sông mà chúng phải tìm đến những không gian lớn hơn, khoáng đạt hơn để mặc sức vẫy vùng, để triền miên dào dạt, để tìm thấy chính mình. Nơi ấy không đâu khác mà chính là biển cả mênh mông. Vì thế, hai câu tiếp theo của Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng sóng để nói lên nỗi khát khao được giao cảm, được giải bày và chia sẻ của một người con gái khi yêu :
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Hai câu thơ là một khát vọng tìm tòi đến tột độ, khát khao được nhận thức về mình. Sóng đã dũng cảm từ bỏ dòng sông với những giới hạn chật hẹp, những thoả mãn tầm thường để đến với biển cả bao la, soi mình vào trăm ngàn con sông khác. Chỉ có ra đến bể, con sóng mới thật sự tìm thấy mình, mới nhận thức được sức mạnh và khao khát của mình. Điều này cũng giống như tình yêu của con người, luôn khai khát vươn tới sự lớn lao đích thực. Có thể thấy, ngay trong khổ thơ đầu tiên này một nét mới mẻ trong quan niệm về tình yêu. Người con gái khát khao yêu đương nhưng không còn nhẫn nhục, cam chịu nữa. Nếu “Sông không hiểu nổi mình” thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó để “tìm ra tận bể”, để đến với cái cao rộng, bao dung. Thật minh bạch và cũng thật quyết liệt!
Bốn câu sau Ở khổ thơ thứ hai, mượn quy luật muôn đời của sóng, tác giả khẳng định khát vọng của tình yêu thường trực trong trái tim tuổi trẻ:
Ôi con sóng ngày xưa
.................................
Bồi hồi trong ngực trẻ
Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim, trong quan niệm của Xuân Quỳnh. Đó cũng là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Cũng như sóng nó mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, con người đã đến với tình yêu và mãi mãi cứ đến với tình yêu:“Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế”. Hai câu thơ vừa thể hiện sự ngạc nhiên vừa mang ý nghĩa khẳng định một điều có tính quy luật về sự tồn tại bất diệt của khát vọng tình yêu trong trái tim người con gái. Điều khẳng định có tính quy luật ấy được gợi ra từ hai chữ vẫn thế, nghĩa là không có gì khác, không có gì thay đổi; và hai chữ chỉ thời gian có ý nghĩa không xác định, không hạn định là ngày xưa, ngày sau. Sự tồn tại bất diệt của sóng biển ở đây là một quy luật của thiên nhiên và đó cũng chính là quy luật của tình yêu muôn thuở. Quy luật ấy được thể hiện mạnh mẽ nhất, mãnh liệt nhất ở tuổi trẻ. Tình yêu đến với tuổi trẻ như một lẽ tự nhiên, thường tình, bởi thế nhà thơ khẳng định :
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trong hai câu thơ này, Xuân Quỳnh đã lựa chọn từ ngữ thật chính xác để chuyển tải trọn vẹn nỗi lòng của mình. Ở đây, thi sĩ nói đến khát vọng tình yêu chứ không nói đến ước vọng tình yêu . Nếu là ước vọng thì chỉ mới là ước và mong, còn khát vọng thì đã là sự đam mê cháy bỏng, mãnh liệt, không có giới hận cuối cùng. Đấy cũng là một nét đặc trưng nhất của tình yêu : tình yêu thật sự bao giờ cũng thật mãnh liệt, nồng nàn. Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim, trong quan niệm của Xuân Quỳnh, là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là tuổi trẻ. Cũng như sóng, nó mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, con người đã đến với tình yêu và mãi mãi cứ đến với tình yêu.
Nhận xét
nghệ thuật Về nghệ thuật, đoạn thơ dùng thể thơ 5 chữ, âm điệu sâu lắng, dạt dào; biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ đối lập,…Thể thơ đó được nhà thơ sử dụng rất thích hợp với việc diễn tả nhịp điệu của sóng. Cùng với hình tượng sóng, đoạn thơ này còn có một hình tượng nữa là em – cái tôi trữ tình của nhà thơ. Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hoá thân, phân thân của cái tôi trữ tình. Hai “nhân vật” trữ tình sóng và em tuy hai mà một, đan cài, quấn quít với nhau như hình với bóng, song song tồn tại, soi sáng, bổ sung cho nhau nhằm diễn tà một cách mãnh liệt hơn, sâu sắc và thiết tha hơn khát vọng tình yêu đang cuồn cuộn trào dâng trong trái tim nữ thi sĩ.
Kết bài Tóm lại, ở hai khổ thơ đầu, tác giả diễn tả các cung bậc của người phụ nữ đang yêu và thể hiện một quan niệm mới mới về tình yêu : yêu chính là tự nhận thức, là vươn tới cái cao hơn, rộng hơn, lớn hơn. Qua đó, nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, vừa mang nét truyền thống, vừa có tính hiện đại, độc đáo.

#Walker

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa

Các câu hỏi tương tự
QN
Xem chi tiết
TK
Xem chi tiết
HN
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết
CC
Xem chi tiết
SM
Xem chi tiết
TL
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết