Ôn tập ngữ văn 12

PH

Câu 1:

Viết một bài văn ngắn về một tác phẩm văn học đã mang đến cho em một cách nghĩ, cách nhìn đúng đắn sâu sắc

Câu 2:

Viết một đoạn văn diễn dịch, phân tích nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều trong 8 câu thơ cuối bài thơ " Kiều ở lầu Ngưng Bích" của Nguyễn Du

KM
24 tháng 5 2019 lúc 15:44

Chúng ta đã từng học qua những truyện như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.

Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thâm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỳ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống? Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão "không nên" sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự "sắp xếp" cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

Lão Hạc chết. Cái chết của Lão Hạc sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nồng dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm. Cái chết của Lão Hạc thay cho lời tố cáo cái xã hội phi nhân đạo - một thứ sản phẩm hỗn tạp của phong kiến, thực dân.

Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là Lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

Ở tác phẩm Lão Hạc, ta có thấy niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh khỏng phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

Bình luận (0)
TP
26 tháng 5 2019 lúc 12:15

1)

I. Mở bài

- Giới thiệu truyện ngắn Làng, tác giả Kim Lân

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: thành công về nghệ thuật thể hiện tài năng viết truyện ngắn của nhà văn.

II. Thân bài

1. Khái quát truyện ngắn Làng

- Hoàn cảnh sáng tác

- Cốt truyện

+ Câu chuyện kể về nhân vật ông Hai - người yêu làng, sau khi rời làng tản cư ông Hai luôn nhớ về làng, khoe làng của mình với mọi người.

+ Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông thấy bẽ bàng, tủi hổ, đau xót không dám ra ngoài chỉ ở trong nhà, mỗi khi nghe thấy ai nhắc tới từ Việt gian theo Tây ông lão đều lảng tránh. Mãi tới khi được cải chính, ông Hai mới vui vẻ trở lại và tiếp tục hãnh diện khoe làng chợ Dầu của mình.

2. Phân tích đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm để thấy tài năng viết truyện ngắn của Kim Lân

- Nghệ thuật tạo dựng tình huống làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng nhân vật

+ Đặt nhân vật vào tình huống éo le, bất ngờ: Ông Hai luôn yêu và tự hào về làng của mình, nay nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

+ Tình huống khiến diễn biến tâm trạng nhân vật thay đổi mạnh mẽ, thử thách lòng yêu làng và yêu nước của nhân vật ông Hai.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật chủ yếu qua việc miêu tả nội tâm:

+ Tâm trạng ông Hai biến chuyển từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc tới khi nghe tin cải chính diễn ra phức tạp, tinh tế.

+ Nhiều đoạn miêu tả tâm lí rất sâu sắc (ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc: da mặt tê rân rân, cổ nghẹn ắng lại, lúc ông Hai lựa chọn giữa tình yêu nước với tình yêu làng).

+ Gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật chứng tỏ Kim Lân am hiểu về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

- Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: ngôn ngữ truyện đặc sắc nhất là ngôn ngữ nhân vật ông Hai.

+ Ngôn ngữ đậm tính khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân.

+ Lời nói trần thuật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu, truyện được trần thuật chủ yếu theo lời nhân vật ông Hai (hình thức trần thuật ngôi thứ 3).

+ Ngôn ngữ nhân vật của ông Hai vừa mang nét chung của người nông dân nhưng cũng mang điêm riêng biệt đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động.

+ Giọng điệu trần thuật tự nhiên thân mật đôi khi dí dỏm của nhân vật.

III. Kết bài

- Tác giả thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật và ngôn ngữ nhân vật.

- Những đặc sắc về nghệ thuật góp phần thể hiện tư tưởng của tác phẩm: tình yêu làng, lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân trong hoàn cảnh tản cư.

- Khẳng định Kim Lân là cây bút truyện ngắn xuất sắc và có sức lay động tới trái tim người đọc.

Bình luận (0)
H24
25 tháng 5 2019 lúc 19:08

2.

Tâm trạng buồn tủi của Kiều đã thể hiện rõ nét qua cảnh vật bên ngoài. Mỗi cảnh vật là một nét riêng nhưng đều diễn tả một khía cạnh trong tâm trạng của Kiều. Cánh buồm trên biển giữa mênh mông trời chiều hoàng hôn thật cô độc, lẻ loi:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Khung mở ra vào thời điểm chiều hôm, thời điểm của những lưu luyến khó tả. “Cửa bể chiều hôm” gợi trước mắt ta hình ảnh những tia nắng leo lắt cuối ngày phản chiếu lên mặt biển xanh thẳm rồi lan ngay ra không gian xung quanh, khiến mọi thứ nhuốm màu sẫm tối, có cái gì da diết như đêm luyến ngày, như niềm lưu luyến tha thiết của Kiều về ngày tháng êm đềm xưa kia.Các từ ngữ “thấp thoáng”, “xa xa” gợi sự lẻ loi, đơn độc như chính niềm hi vọng mỏng manh, leo lét của Kiều. Một mình bơ vơ ở nơi đó, Kiều chỉ mòn mỏi nhớ về quê hương, nhớ về cha mẹ, chờ mong một con thuyền đến cứu, thế nhưng những chiếc thuyền ấy chỉ thấp thoáng ở xa rồi mất hút về phía chân trời. “Thuyền ai” lênh đênh rồi mất hút về phía chân trời xa như cuộc đời Kiều, chẳng biết đến bao giờ có thể về được quê nhà, báo hiếu cho cha mẹ.Ánh nhìn của Kiều vẫn ở mặt nước nhưng đã gần hơn:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Cánh hoa mỏng manh, dập dìu trong dòng nước, bé nhỏ, chẳng thể nào chống chọi được sức của “ngọn nước mới sa” như chính thân phận nàng Kiều nhỏ bé trong dòng đời đẩy đưa. Thân phận Kiều giờ đây lạc lõng, lẻ loi, tả tơi trôi theo dòng đời vô định “biết là về đâu” như chính bông hoa kia. Nhìn cánh hoa bị vùi dập tả tơi ấy, nàng Kiều lại càng nhớ thương Kim Trọng, càng buồn tủi, xót xa vì số phận bèo dạt mây trôi, chẳng biết sẽ đi về nơi nao của mình.Không chỉ có mặt nước mênh mang chất chứa bao nỗi buồn mà cả cỏ cây cũng sầu thảm:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Ngược với cái tên xanh biếc hi vọng của “Ngưng Bích” sắc xanh nối tiếp của trời đất qua đôi mắt buồn tủi của Kiều trở nên thật sầu thảm. Từ láy “rầu rầu” gợi nên hình ảnh của một bãi cỏ tàn úa, xơ xác đến thảm thương. Xanh trời nối tiếp xanh đất tàn úa, héo hon, vô vị, tẻ nhạt như chính số phận bị giam lỏng trên lầu cao của Kiều. Tuổi thanh xuân tươi đẹp của Kiều, tài sắc vẹn toàn của nàng rồi sẽ phai tàn, vô vị như màu xanh héo úa kia. Màu xanh vốn là màu của hi vọng nay đã tàn úa như chính niềm hi vọng đang cạn dần và nỗi xót xa, dằn vặt ngày càng dâng cao trong lòng Kiều. Quang cảnh đang im lặng, bỗng dậy sóng:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Âm thanh của tiếng sóng “ầm ầm” trong cảnh “gió cuốn mặt duềnh” như chính là những bão tố phong ba đang chờ Kiều ở phía trước. Nàng lo lắng không biết khi nào tai họa sẽ ập đến như tiếng sóng dồn dập ngoài xa. Tiếng sóng ầm ì như chính tiếng của tai họa sắp ập tới, những cạm bẫy của cuộc đời ập đến “kêu quanh ghế ngồi” khiến cho nàng Kiều sợ hãi.
Điệp ngữ “buồn trông” đặt ở bốn đầu câu lục bát trong đoạn thơ như tiếng thở dài cùng với nhịp thơ chầm chậm và những thanh bằng đã nhấn mạnh nỗi buồn cứ càng lú càng dâg lên mãi trong lòng Kiều cùng hòa với cảnh vật càng lúc càng mênh mang, vắng vẻ hơn. Những từ láy “xa xa”, “thấp thoáng”, “man mác”, “rầu rầu”, “xanh xanh”, “ầm ầm” như những con sóng dằn vặt, buồn tủi dâng tràn trong lòng Kiều.
Đoạn thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất trong Truyện Kiều cũng như văn học trung đại Việt Nam. Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm về Kiều, môt người tình chung thủy, một đứa con hiếu thảo và lòng một con người giàu lòng vị tha, khiến ta căm hận xã hội phong kiến bất công tàn bạo đưa đẩy con người tài hoa vào kiếp lầu xanh tủi hổ
Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
H24
Xem chi tiết
NP
Xem chi tiết
1G
Xem chi tiết
BT
Xem chi tiết
NP
Xem chi tiết
XT
Xem chi tiết
1G
Xem chi tiết
HT
Xem chi tiết
MC
Xem chi tiết