Bạn tham khảo nhé !!!
Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.
Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé vào quán tranh nghỉ chân, uống một bát nước chè xanh hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.
Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo... Thế là đã có một "con trâu lá đa", cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiên. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ... nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!
Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ nhặt về có thể làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu "toe" lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.
Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.
Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phấp phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây... Rồi chuyện làm ăn hàng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.