Viết văn 12

LH

Anh chị có suy nghĩ gì về ngày tết cổ truyền dân tộc

NH
1 tháng 2 2018 lúc 16:35
"Thời giờ ngựa chạy, tên bay
Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm,
Đông qua xuân đã đến liền
Hè về rực rỡ êm đềm thu sang..."
Đó là những câu thơ mà tôi đã được nghe từ bé, nhưng đến bây giờ mới tận tường hiểu nghĩa. Thật vậy, thời gian trôi đi thật nhanh, mới ngày nào đây khi tôi còn bé, cứ mỗi lần đến tết tôi và các bạn cùng hân hoan trông chờ, một cái tết được nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hôm nay trong tiết trời se lạnh của quê nhà miền Trung nhớ lại kỷ niệm những ngày tết đã qua, tôi bồi hồi nhớ về những tết năm xưa khi tôi còn bé.
Khoảnh khắc giao mùa làm cho đất trời vạn vật thay đổi như được khoác trên mình màu áo mới. Cây cối đâm chồi, nảy lộc. Những nhánh hoa mai, hoa lan, hoa vạn thọ nở... báo hiệu một mùa xuân sắp về, khiến lòng người rạo rực, chờ mong năm mới.
Giao thừa là thời điểm thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, khi đất - trời giao cảm, muôn vật như tạm thời ngưng đọng trong giây phút để rồi bừng ra một sức sống mới, một sự tái sinh kỳ diệu. Đất trời vào xuân mang hơi thở rất lạ, nồng nàn, khoan thai làm cho lòng người chìm trong thứ men say ngất ngây. Giây phút thiêng liêng, tức là đón Giao thừa mọi người ai cũng muốn rũ bỏ những cái gì đó không may mắn của năm cũ để đón nhận những điều may điều tốt của năm mới.
Phải chăng vì thế mà chẳng ai muốn tỉnh giấc trong cái “men say” ấy. Cái “men” mà chỉ mùa xuân mới có: cảm giác yêu thương và muốn được yêu thương, cảm giác được che chở và mong ngóng có một năm mới ngập tràn hạnh phúc…
Vẫn nhớ như in những ngày trước tết, nhà nào cũng hân hoan, người gói bánh, người làm mứt, người lo sắp dọn nhà cửa... mọi người tắm rửa rồi ăn cơm tất niên, công việc đó được coi như một nghi lễ của ngày cuối năm. Cái mùi thơm của những trái bồ kết, lá hương nhu, lá chanh dùng để đun nước gội đầu và tắm rửa... đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức
Người xưa quan niệm rằng “việc tắm ngày cuối năm bằng nước lá hoa mùi là để gột rửa bụi trần, gột rửa mọi nỗi ưu tư và cũng là để tắm rửa tinh thần, giúp con người tĩnh tâm hơn sau bao khổ nhọc của cuộc mưu sinh tìm đường trở về đoàn tụ bên mái ấm”. Những giây phút ấy như đánh dấu cho một sự đổi mới với bao hoài bão, mong ước cho một tương lai mới, thách thức mới.
Nhớ những tết xưa, cứ chiều 30 tết, nhà nào nhà nấy đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm cho ba ngày tết, nào thịt, nào gà, nào dưa món nào bánh chưng, bánh tét…, những thứ không thể thiếu của ngày tết.
Cũng có những năm khó khăn, khi xã hội kinh tế chưa phát triển, nhưng được nhà nước ưu ái cho những tình cảm giản đơn, bằng tem phiếu nhưng nhà nào cũng có mứt, có bánh, có rượu và cả pháo nữa, cố gắng lắm thì sắm sửa được nhiều hơn. Nhớ lại một kỷ niệm, có những năm nhà tôi tự rang gạo nếp giã thành bột, trộn với đường cát và tự làm bánh in, cái thứ bánh mà trước dùng để thờ Ông bà và sau lại chia phần cho con cháu rất thích. Thường xuyên hơn nữa là năm nào cũng cố gắng dành dụm gói vài đòn bánh, nếp tự làm lá gói và lạt buộc thì nông thôn không bao giờ thiếu, nhớ nhất là đêm nấu bánh, hương thơm của lá chuối và gạo nếp ngan ngát bay xa, không khí tết càng nên ấm cúng, chờ đợi bánh chín, vớt ra tôi và các em luôn muốn được ăn thử, nhưng không được Ba Mẹ tôi phải đặt bánh lên bàn thờ tổ tiên trước đã sau đó những cái bánh không đẹp mới được cho chúng tôi ăn thử, ngon ơi là ngon, thích ơi là thích ...
Dường như những khó khăn đó không làm tan biến những ước mơ, hoài bão của tất cả mọi người luôn mong ngóng, tết đến cuộc sống của gia đình sẽ khác, tôi và các em được mừng tuổi, được mặc quần áo mới, mặc dù quần áo mới ấy là thứ bình thường thôi nhưng lại rất sung sướng đầy vui mừng.
Tết xưa là Tết theo quan niệm cũ, khi kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đó là những ngày của các lễ hội tưng bừng và diễn ra dài ngày. Khi đó người ta có quan niệm Tết là “ăn Tết”, chứ không phải “nghỉ Tết” như hiện nay. Người ta dành những gì ngon nhất, tốt nhất như thịt heo, thịt gà, trái cây, quần áo mới... cho những ngày Tết. Dù nghèo đến đâu cũng phải cũng phải sắm được một mâm cỗ để cúng giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà về cùng ăn Tết với con cháu.
Truyền thống Tết khắc sâu trong tâm thức người Việt cho đến tận bây giờ, tập quán đó gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp, quanh năm đầu tắt mặt tối, nhưng tết vẫn là những ngày thiêng liêng để mừng tuổi cha mẹ, ông bà, là những ngày thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên ông bà .
Một mùa xuân lại về nhưng tôi cảm giác không còn cái không khí bận rộn như lúc trước. Tết ngày nay đơn giản quá, cần thứ gì chỉ việc ra chợ mua là có ngay, những phong tục ngày tết cũng dần dần mất đi. Không còn cái không khí nấu bánh chưng bánh tét ở mỗi gia đình nữa bởi bây giờ thứ gì cũng có sẵn, được làm sẵn. Con người cũng trở nên thay đổi hơn, không còn bận rộn với ngày tết nữa mà giờ đến chiều mùng 2 là đã hết tết rồi. Mọi người lại lo lắng bắt tay vào công việc năm mới của mình.
Tết nay qua bao biến thiên của thời đại, theo dòng chảy của thời gian, đặc biệt trong thời đại hội nhập toàn cầu như hiện nay, quan niệm về Tết hình như thay đổi nhiều. Nền kinh tế đang phát triển, thu nhập người dân ngày một cao. Nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên, được đáp ứng ngay khi có tiền, chứ không đợi đến Tết. Từ những nhu cầu thực tế đó cho thấy những thay đổi trong suy nghĩ về quan niệm Tết. Điểm thay đổi dễ thấy nhất là sự khác nhau giữa “ăn Tết” và “nghỉ Tết”. Còn nói chung, về cơ bản Tết cổ truyền vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Tết vẫn là dịp để gia đình đoàn tụ, để người thân thăm viếng lẫn nhau. không khí Tết ngày nay so với ngày xưa giảm đi ý nghĩa nhiều. Nhưng tết cổ truyền vẫn là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam quan niệm đó sẽ phụ thuộc theo từng suy nghĩ và nhận thức của mỗi chúng ta …
Ngày Tết, ngày xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên của gia đình, nếu ở xa thì đây là những ngày nhớ thương da diết nhất. Trước tiên là nghĩ đến những người đã mất, nên thường tổ chức đi viếng mộ để tỏ lòng thành kính "uống nước nhớ nguồn". Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình.
Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý, bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.
Mồng một người ta thường hay đến cúng vái và thăm hỏi những nhà bên nội, mồng hai sang lễ tết bên nhà ngoại và mồng ba đến thăm thầy, vì thế có câu "Mồng một tết cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy". nhưng ngày nay thì trình tự đó trở nên lộn xộn, gặp đâu thăm đó, ai thân thì thăm, còn không thì thôi, kể cả bà con. Khi đến thăm họ hàng, bạn bè, người ta thường chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu, hạnh phúc và may mắn gọi là "mừng tuổi", và "lì xì"
Ngày tết thường có nhiều trò vui đặc biệt như đá gà, chơi cờ, hội chợ ... đua thuyền, đánh bài, xem bói ... Những lễ tục phiền toái, lãng phí xa hoa, tốn kém thời giờ và tiền của, hoặc mang tính chất mê tín, dị đoan, những trò chơi đỏ đen có tính chất ăn thua, đều được loại bỏ và xa dần. Quan niệm kéo dài ngày tết cũng tùy theo vùng miền và tùy theo công việc, để để bù lại quanh năm vất vả cũng được sửa đổi để phù hợp với nhịp điệu cuộc sống khẩn trương của xã hội hiện đại. Nhưng không phải vì thế mà những nét đẹp cổ truyền đậm đà màu sắc dân tộc cũng như không khí vui tươi phấn khởi nhộn nhịp mang ý nghĩa mới chúc nhau thêm sức khỏe, niềm vui của ngày Tết lại giảm đi.
Cho gì đi nữa, ngày tết vẫn là ngày thiêng liêng nhất, cao quý nhất để chúng ta thể hiện tình cảm của con người với con người, của con người với người thân bạn bè và những người đã khuất, mong rằng những thế hệ sau cho dù giàu có, đầy đủ tiện nghi, công nghệ hiện đại, nhưng đừng quên ngày tết cổ truyền mà cha ông ta đã xây dựng qua hàng ngàn đời, là nét đẹp và phong phú được chắc lọc qua hàng ngàn thế hệ lưu truyền cho đến ngày nay.
Ở đâu ngày tết vẫn là ngày cao quý và thiêng liêng nhất trong mỗi con người chúng ta.
Bình luận (0)
LD
28 tháng 1 2018 lúc 9:01
Tết trong kí ức của tôi là những bữa cơm tất niên cả gia đình tôi cùng sum họp lại bên nhau, nhìn lại những gì chúng tôi đã làm được cũng như những thiếu xót trong năm vừa qua và lập ra những mục tiêu cho năm mới đến. Tết trong kí ức của tôi là khoảnh khắc tôi đếm từng giây để đón chờ thời khắc giao thừa, để ngắm nhìn những chùm pháo hoa sặc sỡ trên bầu trời đêm. Tết trong tôi còn là giây phút hai chị em tôi nắm tay đi sát bên nhau để chia sẻ cái lạnh giữa đêm 30 Tết. Tôi đã trải qua 15 cái Tết trong cuộc đời mình với những cung bậc thật khác nhau của cảm xúc, mỗi cái Tết qua đều là một kỉ niệm khó có thể nào quên nhưng dường như Tết vẫn là một khái niệm gì đó khá mơ hồ trong tôi…
Ngày xưa và bây giờ cũng vậy, không một đứa trẻ nào là không háo hức, vui mừng khi ngày Tết đến. Tôi cũng vậy. Tôi còn nhớ như in cái hồi hộp náo nức đợi pháo hoa được bắn lên trên bầu trời khi tôi còn ở cái tuổi lên 3, lên 4. Lớn hơn một chút, khi tôi học tiểu học hay bé hơn nữa tôi cũng không còn nhớ rõ, tôi thích thú được cùng mẹ đi thả cá chép ngày Ông Công Ông Táo, xếp hàng chờ được người lớn mừng tuổi và nói “Con cảm ơn” thật to. Vậy mà cũng đã từng ấy thời gian trôi qua, tôi giờ đã là một thiếu nữ biết cùng mẹ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đón Tết, chuẩn bị mâm cơm tất niên để cả nhà cùng sum họp. Ngày bé, tôi đơn giản chỉ nghĩ Tết là dịp để vui chơi, ăn uống, để nhận tiền lì xì nhưng bây giờ thì tôi mới hiểu, Tết không đơn thuần như những gì mà tôi vẫn nghĩ. Tết đến là một năm mới nữa lại đến, một mùa xuân nữa lại về, mọi thứ đều bắt đầu lại từ đầu. Bao nhiêu lo toan, muộn phiền đều khép lại khi thời khắc giao mùa đã điểm, chỉ còn lại niềm vui và hi vọng về một năm mới tốt đẹp hơn. Trong lòng mỗi người, ai cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Có thể chúng ta còn nhiều điều chưa hài lòng về bản thân mình, về những gì chúng ta đã làm được nhưng dường như mỗi người đều rộng lượng hơn với chính mình và những người xung quanh vào cái giây phút ngắn ngủi mà thiêng liêng ấy. Mọi lỗi lầm sẽ được tha thứ. Mọi hiểu lầm, hờn ghen hay giận dỗi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi một năm mới đến. Những nỗi buồn sẽ được tạm gác lại để cùng hòa chung với niềm vui đón tết của cả đất nước. Giữa những kí ức ấm áp, hạnh phúc ấy của ngày Tết, tôi bỗng nhớ về một cái Tết buồn, một cái Tết mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời mình. Đó là những ngày sát Tết cách đây 5 năm. Ông ngoại tôi phải nhập viện sau một cơn tai biến nặng. Khi ấy tôi mới là một cô bé học lớp 5, ngây thơ hồn nhiên và không thể hiểu thế nào là một cơn tai biến. Tôi chỉ biết tôi đã nhìn thấy nước mắt mẹ trào ra ngay khi nhận được cuộc điện thoại báo ông tôi đang trong bệnh viện. Tôi nhìn thấy sự lo lắng, buồn đến tuyệt vọng của bà ngoại tôi- một người luôn can đảm và bình tĩnh. Tôi nhìn thấy khuôn mặt ông ngoại tôi, nhợt nhạt đang nằm li bi trên chiếc ga trải giường trắng toát của bệnh viện. Nó làm tôi thấy sợ. Mọi hình ảnh ấy sao quá đỗi xa lạ với tôi. Tôi quen với vẻ ngoài phúc hậu nhưng rất hiền từ của ông tôi hơn. Tôi chẳng thể hiểu căn bệnh mà ông tôi đang phải chiến đấu cùng là gì, tôi chỉ biết có cái gì đó ngột ngạt, đau buồn hiện hữu trên những người thân yêu của tôi suốt những ngày Tết đáng sợ ấy. Chỉ có ba tôi, ba vẫn bình tĩnh đi gặp bác sĩ để tìm ra cách thức điều trị cho bệnh của ông và ba cũng không quên an ủi mọi người. Tôi hỏi ba sao ba không khóc như mẹ thì ba nói “Ngày Tết không được khóc, khóc sẽ khiến ông buồn và bệnh tình ngày càng xấu đi. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện mong ông được khỏe lại, con ạ”. Những ngày sau đó chúng tôi đã cầu nguyện với một tâm trạng khá hơn những ngày trước nhiều và cùng với đó là những tiến triển khả quan về bệnh tình của ông tôi. Sau đó 2 tuần thì ông đã có thể xuất viện. Câu chuyện có thể khó tin nhưng tôi thực sự nghĩ rằng đã có một phép màu đến với gia đình chúng tôi. Điều kì diệu ấy có lẽ chính là do Tết đem lại, Tết đem đến cho gia đình tôi một cuộc sống mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới để chúng tôi có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách. Và tôi hiểu ra một điều, Tết thực sự là một khởi đầu mới mẻ với mỗi người.
Nhưng Tết không chỉ đơn giản là sự khởi đầu mới, Tết còn mang những nét đẹp về văn hóa truyền thống, về phong tục tập quán rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới, không nhiều nước có Tết Nguyên Đán như đất nước ta. Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng về đến Việt Nam thì nó đã có những nét riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Nhắc đến Tết, người ta vẫn thường hay nhớ đến mâm ngũ quả, cây nêu, bánh trưng xanh, hoa đào, câu đối Tết,…tất cả đều mang màu sắc rất Việt. Mâm ngũ quả là một mâm trái cây với năm loại quả khác nhau thường có trong dịp Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm của người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người và số lẻ cũng tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Người ta thường bày chuối xanh cong lên ôm lấy quả bưởi mang ý nghĩa đùm bọc lẫn nhau. Ngày tết cũng không thể thiếu những cặp bánh chưng xanh, tượng trưng cho đất trong truyền thuyết của các vua Hùng xưa. Không chỉ trong âm thực, người Việt ta còn có rất nhiều phong tục tục lễ rất riêng, rất đặc biệt mà có lẽ chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam. Ngày đầu năm mới, người lớn thường hay mừng tuổi trẻ con để mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Có thể giá trị của chúng không nhiều nhưng nó thể hiện tấm lòng và ý tốt mong những điều may mắn sẽ đến. Ngoài ra, người Việt còn có những tục lễ như xông đất, hái lộc, mua muối hay xin chữ. Tôi vẫn còn nhớ những đêm giao thừa, tôi ngồi trong nhà và vẫn thường hay nghe thấy tiếng giao của những cô bán muối. Gia đình tôi không bao giờ quên mua một túi muối để cầu may cho năm mới đến. Theo quan niệm của người Việt, muối tượng trưng cho sự mặn mà vì thế mà đầu năm mua thứ ấy thì cả năm sẽ được vui vẻ, may mắn. Người Việt cũng thường hay đi xin chữ ngày đầu năm mới, đặc biệt là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Người ta đến xin những chữ mà mình mong muốn, học sinh đi học thì thường mong đỗ đạt, người làm ăn thì cầu chữ “Phát” và không có gì quý hơn “Thọ” với những người cao tuổi. Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi cũng chưa bao giờ thử đi xin chữ đầu năm. Tôi chỉ thường hay xem trên tivi nhưng nhìn những dòng người chen chúc nhau đông vui tấp nập ở Văn Miếu thì tôi hiểu, người Việt ta tin vào những phong tục ấy đến nhường nào. Một nét đặc trưng khác trong Tết của người Việt, đặc biệt là với học sinh sinh viên đó là khai bút ngày mùng một Tết. Năm nào cũng vậy, như đã thành thói quen, việc đầu tiên tôi làm vào sáng mùng một là ngồi vào bàn học và bắt đầu khai bút. Đôi khi đó chỉ là việc giải một bài toán hay viết một bài văn nhưng nó sẽ đem lại may mắn trong con đường học hành suốt cả năm đó. Và ngược lại, nếu không tập trung thì chuyện học hành năm đó sẽ bị chểnh mảng. Những điều đó có thể không thật sự chính xác nhưng nó là phong tục truyền thống và được nhiều người dân Việt tin tưởng. Ẩm thực, phong tục, tất cả đã làm nên những ngày Tết rất đặc biệt, làm nên một nền văn hóa rất Việt Nam.
Nhắc đến Tết là nhắc đến niềm vui, nhắc đến một sự bắt đầu. Tết đem lại cho con người ta những cảm giác mới mẻ, thú vị. Nhưng nói thể không có nghĩa là Tết chỉ có hạnh phúc. Tôi có thể ngồi kể ra rất nhiều những kỉ niệm vui về tết từ thời thơ ấu đến giờ, nhưng cũng không hẳn là không có những nỗi buồn thầm kín, riêng tư mà có lẽ chỉ tôi mới hiểu được. Tết đến là một năm mới nữa lại đến và nó cũng đồng nghĩa với việc những người thân yêu của tôi đã nhiều hơn một tuổi. Những ngày bé tôi còn ngây thơ, hồn nhiên vui cười đón Tết đến nhưng càng lớn hơn, tôi càng nhận thức được rõ hơn bao giờ hết sự tàn nhẫn của thời gian. Thời gian cứ trôi qua nhẹ nhàng mà vô tình mặc cho con người có cố gắng níu giữ. Những đứa trẻ thì luôn mong được lớn thật nhanh để được làm người lớn nhưng thời gian một năm đối với người già thì thật là đáng sợ. Một năm qua đi, ông bà tôi lại già thêm một tuổi, lại yếu đi hơn trước nhiều. Một năm qua đi, tôi đã thấy trên đầu ba mẹ tôi nhiều tóc bạc hơn. Nếu có thể tôi mong thời gian ngừng trôi để tôi níu giữ mãi những khoảnh khắc đáng nhớ này, khoảnh khắc mà tôi được sống trong tình yêu thương đùm bọc chở che của cả ông bà và cha mẹ. Tôi mong thời gian ngừng trôi để tôi không bao giờ phải rời xa những người mà tôi yêu thương. Tôi mong cuộc sống sẽ mãi dừng lại ở giờ phút này để tôi không phải nhìn thấy sự già nua, ốm yếu đang dần một hiện rõ nơi những người ruột thịt thân yêu nhất của tôi. Nhưng tôi biết thời gian không chờ đợi một ai. Nó tàn nhẫn và có thể cướp đi hạnh phúc của tôi bất cứ lúc nào. Tôi ghét Tết cũng vì điều đó. Và vì thế tôi hiểu tôi phải nắm lấy những giây phút này, phải yêu thương ông bà, ba mẹ bằng tất cả trái tim của tôi, phải học hành giỏi giang để khiến mọi người hạnh phúc và có thể mỉm cười về tôi. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn Tết vì nhờ có Tết mà tôi mới biết được những người thân quan trọng với tôi như thế nào và cho tôi cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình với họ. Sinh, lão, bệnh, tử, đời người ai cũng phải trải qua nhưng tôi không nỡ nhìn những người gần gũi, gắn bó với tôi nhất phải chịu những điều ấy. Vì thế tôi luôn trân trọng những ngày tháng này, trân trọng những cái Tết sum vầy đông đủ cả gia đình. Tôi bỗng thấy mình vẫn thật hạnh phúc khi tôi nghĩ đến những người lính ngoài Trường Sa, Hoàng Sa. Họ vẫn đang ngày đêm canh gác vì hòa bình, tự do của dân tộc để chúng ta có những cái Tết đầm ấm và hạnh phúc như vậy ở đất liền. Họ đã quên đi bản thân mình, hi sinh hạnh phúc cá nhân để cống hiến cho tổ quốc. Chúng ta phải cảm ơn họ vì đã đem đến cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc hơn. Và cũng nhờ có họ, mà ngày Tết Việt Nam mới càng thêm đẹp và ý nghĩa hơn.
Tết là một phần kí ức tuổi thơ tôi, đã ngấm vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay. Tôi yêu Tết Nguyên Đán, yêu cái Tết cổ truyền của dân tộc tôi. Nó luôn đem đến cho con người những khởi đầu mới, những mới mẻ để con người cùng nhau khám phá. Và quan trọng hơn, Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng biệt tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Tham khảo ạ
Bình luận (0)
NH
1 tháng 2 2018 lúc 16:33
Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên. Ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ. Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn ki-lô-mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về…Tết đến từ ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về Trời tâu việc trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Tết cổ truyền Việt Nam là thế đơn sơ nhưng ấm áp và tràn đầy tình thương. Lòng tôi lâng lâng nhìn cây Đào đang ra hoa trước nhà lòng hân hoan mong chờ tết đến. Mong xuân về đẻ xóa tan cái giá lạnh của mùa đông và mang tia nắng ấm áp về với mọi người mọi nhà.
Bình luận (0)
NH
1 tháng 2 2018 lúc 16:34

Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Khi cái giá rét lạnh lẽo của mùa đông dần dần tan biến, những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại được khoác lên mình chiếc áo xanh non quyến rũ báo hiệu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống, tươi vui đang tràn về. Tất cả lại cùng đưa tiễn năm cũ và hân hoan, phấn khởi đón chào một năm mới đang đến với mong muốn cho mọi người, mọi nhà đều được sống trong an lành, hạnh phúc. Năm mới đến gắn liền với Tết- cái Tết cổ truyền của dân tộc. Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp. Trong không khí thật nồng nàn bởi tình xuân lan tỏa, trong chương trình phát thanh hôm nay, tập thể 10A3 xin gửi đến quý thầy cô và các bạn những chia sẻ của chính các bạn trong lớp về ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Với bạn Trần Thị Luyên - Tết gắn liền với niềm vui trong cái ngát hương của đất trời. Bạn chia sẻ: “Một năm có 4 mùa, mỗi mùa đều có một nét đẹp riêng và để lại trong lòng người một cảm xúc riêng. Mùa xuân thường nồng nàn, ấm áp, không nhẹ nhàng, lặng lẽ như mùa thu, không sôi động, rộn ràng như mùa hạ cũng không lạnh lẽo thê lương như mùa đông. Mùa xuân đến đánh thức trong ta những âm thanh vang động, những màu sắc lộng lẫy, hương vị ngọt ngào, gieo vào lòng ta những thoáng dao động mơ màng gợi cho ta những suy ngẫm sâu xa về những gì đang xảy ra trong cuộc sống”.
Những ngày đầu năm, khắp làng bản Việt Nam rộn ràng trong tiếng trống hội xuân thúc giục lòng người. Vào dịp này, bên cạnh các hoạt động lễ nghi mang ý nghĩa tín ngưỡng, những hội vui, diễn xướng sân khấu và các trò chơi truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Có lẽ, có một lễ hội mà không ai là không biết đến, đó là lễ hội chơi hoa. Từ đời xưa, phong tục chơi hoa là một thú vui tao nhã, tạo được không khí tưng bừng nhưng yên bình. Cứ mỗi độ xuân về là muôn hoa khoe sắc, tỏa ngát hương thơm. Từ 25 đến 30 tết, khi ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa, người người đến xem đông như trẩy hội, nào là hoa cúc, hoa mai, đào, cẩm chướng, lay ơn, thược dược... muôn loài hoa đã về đây, trong thời khắc này để cùng nhau hội tụ. Gần tết, trên mỗi cành đào, những bông hoa mảnh mai nở nụ cười hông tươi sắc thắm. Mùa xuân, những rừng đào ngút ngàn, nặng trĩu trái đào thơm. Từ xua, hoa đào đã đi vào thơ ca làm say đắm, rung động lòng người. Khi những cành đào ở Hà Nội bắt đầu chớm nở, báo hiệu một ngày xuân ấm áp đã đến, thì ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn... xứ sở của mai vàng, những cánh mai dịu dàng nở hoa. Mai vàng sống được trên các vùng đất từ Bình Trị Thiên đến Cà Mau. Hoa mai có đài xanh đậm, 5 cánh vàng óng như tơ tỏa ngát hương. Người xưa quan niệm, hoa mai là biểu tượng của sự thanh cao, đẹp đẽ trong tâm hồn. Mùa xuân là mùa của năm mới với những điều tốt đẹp, an lành. Mùa xuân còn là dịp để những con người xa xứ có thể hướng về cội nguồn, về những giá trị thanh khiết và cao quý. Cuộc đời của mỗi con người được ví với mùa xuân, mùa của những bông hoa tươi thắm trên bầu trời trong xanh. Cái tết đối với Luyên thật đằm thắm và sâu sắc phải không các bạn?
Khác với bạn Luyên, với Thu Phương, ngày tết để lại trong bạn ấn tượng về những phong bao lì xì may mắn, về những câu đối đỏ đậm hồn dân tộc. Thu Phương nói rằng: “Xuân sang tết đến là lúc người ta nghĩ đến bánh chưng xanh, những cây hoa mai, hoa đào. Nhưng với riêng tôi, thứ đầu tiên tôi nghĩ đến chính là những phong bao lì xì nhỏ hay là những câu đối đỏ trang trọng.”.
Có thể nói, tết cổ truyền đã trở thành một lễ hội rất ý nghĩa và quan trọng của dân tộc Việt Nam. Khi bóng thời gian chạm cửa tháng 12 âm lịch cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị đón tết. Đặc biệt, với những người xa xứ, đây chính là những giây phút họ được đoàn tụ, đoàn viên với gia đình, được quay trở về với nơi mà mình sinh ra và lớn lên. Tết cũng là lúc, những thành viên trong gia đình thể hiện tình cảm với nhau. Đó là sự tôn kính của con cháu dành cho ông bà, tổ tiên qua những nén hương trầm gợi nhớ về cội nguồn quá khứ. Là những món quà đậm tình nghĩa của những đứa con dành cho cha mẹ. Nhưng có lẽ, những đứa trẻ con là người vui sướng nhất bởi chúng nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm. Trong phong bao lì xì ấy là cả tình cảm yêu thương, nâng niu của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ngày nay, những phong bao lì xì ấy không chỉ là để người lớn tặng cho trẻ em mà là để con cháu thể hiện sự hiếu kính đối với ông bà. Mọi người trao nhau những phong bì đỏ in trên đó là những họa tiết, những cụm chữ màu vàng thể hiện sự chân tình dành cho nhau. Và vòn một thứ nữa không thể thiếu được trong những ngày tết, đó là những câu đối đỏ cầu kì và trang trọng. Sở dĩ nói là cầu kì vì cần phải đặt cái Tâm vào đó, có thế người xem mới hiểu đước ý nghĩa của nó. Những câu đối thường được viết bằng cọ lông, mực Tàu, trên những tấm vải đỏ được trang trí cẩn thận. Những câu đối thật giản dị, quen thuộc: An Khang Thịnh Vượng, Cung Chúc Tân Xuân, ... nhưng thật trang trọng và có ý nghĩa. Những cụ ông, cụ bà có thể cùng nhau ngồi uống trà lại vừa ngắm những câu đối đỏ, như thế mới thật thú vị làm sao!
Một lần nữa, có thể khẳng định rằng, Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành ngày lễ chung của dân tộc Việt Nam. Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi mà dịp để đoàn viên. Những đặc trưng của ngày Tết thật giản dị và gần gũi với chúng ta biết bao nhiêu. Đó là mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp trong chiếc bánh chưng xanh, đó là hương thơm nồng nàn từ các loài hoa đang đua nhau khoe sắc, là những phong bao lì xì chứa chan tình cảm hay những câu đối đỏ thắm. Riêng đối với tôi, lúc nào cũng vậy, trong tôi lúc nào cũng là cảm giác hồi hộp xen lẫn hạnh phúc khi xuân sang tết đến. Mọi người cùng thức, đếm từng phút giây đợi khoảnh khắc giao thừa để cùng quây quần bên nhau bên vị ngọt cay của mứt gừng. Còn điều gì thú vị hơn thế, được tận hưởng những cảm giác ấm áp và cùng nguyện cầu một năm mới an lành.
Cuối cùng, để kết thúc bản tin ngày hôm nay, thay mặt tập thể lớp 10A3, kính chúc quý thầy cô và các bạn một mùa xuân tràn đầy hi vọng.Lời chúc mùa xuân này sẽ đến với tất cả mọi người vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới: “Chúc thành công, chúc may mắn, chúc mọi sự an lành, chúc cho những ước mơ trở thành hiện thực, chúc phú quý đại lợi, an khang thịnh vượng. Và dễ thương nhất là lời chúc: VẠN SỰ NHƯ Ý.

Bình luận (0)
NH
1 tháng 2 2018 lúc 16:34
Tết trong kí ức của tôi là những bữa cơm tất niên cả gia đình tôi cùng sum họp lại bên nhau, nhìn lại những gì chúng tôi đã làm được cũng như những thiếu xót trong năm vừa qua và lập ra những mục tiêu cho năm mới đến. Tết trong kí ức của tôi là khoảnh khắc tôi đếm từng giây để đón chờ thời khắc giao thừa, để ngắm nhìn những chùm pháo hoa sặc sỡ trên bầu trời đêm. Tết trong tôi còn là giây phút hai chị em tôi nắm tay đi sát bên nhau để chia sẻ cái lạnh giữa đêm 30 Tết. Tôi đã trải qua 15 cái Tết trong cuộc đời mình với những cung bậc thật khác nhau của cảm xúc, mỗi cái Tết qua đều là một kỉ niệm khó có thể nào quên nhưng dường như Tết vẫn là một khái niệm gì đó khá mơ hồ trong tôi…
Ngày xưa và bây giờ cũng vậy, không một đứa trẻ nào là không háo hức, vui mừng khi ngày Tết đến. Tôi cũng vậy. Tôi còn nhớ như in cái hồi hộp náo nức đợi pháo hoa được bắn lên trên bầu trời khi tôi còn ở cái tuổi lên 3, lên 4. Lớn hơn một chút, khi tôi học tiểu học hay bé hơn nữa tôi cũng không còn nhớ rõ, tôi thích thú được cùng mẹ đi thả cá chép ngày Ông Công Ông Táo, xếp hàng chờ được người lớn mừng tuổi và nói “Con cảm ơn” thật to. Vậy mà cũng đã từng ấy thời gian trôi qua, tôi giờ đã là một thiếu nữ biết cùng mẹ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đón Tết, chuẩn bị mâm cơm tất niên để cả nhà cùng sum họp. Ngày bé, tôi đơn giản chỉ nghĩ Tết là dịp để vui chơi, ăn uống, để nhận tiền lì xì nhưng bây giờ thì tôi mới hiểu, Tết không đơn thuần như những gì mà tôi vẫn nghĩ. Tết đến là một năm mới nữa lại đến, một mùa xuân nữa lại về, mọi thứ đều bắt đầu lại từ đầu. Bao nhiêu lo toan, muộn phiền đều khép lại khi thời khắc giao mùa đã điểm, chỉ còn lại niềm vui và hi vọng về một năm mới tốt đẹp hơn. Trong lòng mỗi người, ai cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Có thể chúng ta còn nhiều điều chưa hài lòng về bản thân mình, về những gì chúng ta đã làm được nhưng dường như mỗi người đều rộng lượng hơn với chính mình và những người xung quanh vào cái giây phút ngắn ngủi mà thiêng liêng ấy. Mọi lỗi lầm sẽ được tha thứ. Mọi hiểu lầm, hờn ghen hay giận dỗi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi một năm mới đến. Những nỗi buồn sẽ được tạm gác lại để cùng hòa chung với niềm vui đón tết của cả đất nước. Giữa những kí ức ấm áp, hạnh phúc ấy của ngày Tết, tôi bỗng nhớ về một cái Tết buồn, một cái Tết mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời mình. Đó là những ngày sát Tết cách đây 5 năm. Ông ngoại tôi phải nhập viện sau một cơn tai biến nặng. Khi ấy tôi mới là một cô bé học lớp 5, ngây thơ hồn nhiên và không thể hiểu thế nào là một cơn tai biến. Tôi chỉ biết tôi đã nhìn thấy nước mắt mẹ trào ra ngay khi nhận được cuộc điện thoại báo ông tôi đang trong bệnh viện. Tôi nhìn thấy sự lo lắng, buồn đến tuyệt vọng của bà ngoại tôi- một người luôn can đảm và bình tĩnh. Tôi nhìn thấy khuôn mặt ông ngoại tôi, nhợt nhạt đang nằm li bi trên chiếc ga trải giường trắng toát của bệnh viện. Nó làm tôi thấy sợ. Mọi hình ảnh ấy sao quá đỗi xa lạ với tôi. Tôi quen với vẻ ngoài phúc hậu nhưng rất hiền từ của ông tôi hơn. Tôi chẳng thể hiểu căn bệnh mà ông tôi đang phải chiến đấu cùng là gì, tôi chỉ biết có cái gì đó ngột ngạt, đau buồn hiện hữu trên những người thân yêu của tôi suốt những ngày Tết đáng sợ ấy. Chỉ có ba tôi, ba vẫn bình tĩnh đi gặp bác sĩ để tìm ra cách thức điều trị cho bệnh của ông và ba cũng không quên an ủi mọi người. Tôi hỏi ba sao ba không khóc như mẹ thì ba nói “Ngày Tết không được khóc, khóc sẽ khiến ông buồn và bệnh tình ngày càng xấu đi. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện mong ông được khỏe lại, con ạ”. Những ngày sau đó chúng tôi đã cầu nguyện với một tâm trạng khá hơn những ngày trước nhiều và cùng với đó là những tiến triển khả quan về bệnh tình của ông tôi. Sau đó 2 tuần thì ông đã có thể xuất viện. Câu chuyện có thể khó tin nhưng tôi thực sự nghĩ rằng đã có một phép màu đến với gia đình chúng tôi. Điều kì diệu ấy có lẽ chính là do Tết đem lại, Tết đem đến cho gia đình tôi một cuộc sống mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới để chúng tôi có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách. Và tôi hiểu ra một điều, Tết thực sự là một khởi đầu mới mẻ với mỗi người.
Nhưng Tết không chỉ đơn giản là sự khởi đầu mới, Tết còn mang những nét đẹp về văn hóa truyền thống, về phong tục tập quán rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới, không nhiều nước có Tết Nguyên Đán như đất nước ta. Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng về đến Việt Nam thì nó đã có những nét riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Nhắc đến Tết, người ta vẫn thường hay nhớ đến mâm ngũ quả, cây nêu, bánh trưng xanh, hoa đào, câu đối Tết,…tất cả đều mang màu sắc rất Việt. Mâm ngũ quả là một mâm trái cây với năm loại quả khác nhau thường có trong dịp Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm của người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người và số lẻ cũng tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Người ta thường bày chuối xanh cong lên ôm lấy quả bưởi mang ý nghĩa đùm bọc lẫn nhau. Ngày tết cũng không thể thiếu những cặp bánh chưng xanh, tượng trưng cho đất trong truyền thuyết của các vua Hùng xưa. Không chỉ trong âm thực, người Việt ta còn có rất nhiều phong tục tục lễ rất riêng, rất đặc biệt mà có lẽ chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam. Ngày đầu năm mới, người lớn thường hay mừng tuổi trẻ con để mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Có thể giá trị của chúng không nhiều nhưng nó thể hiện tấm lòng và ý tốt mong những điều may mắn sẽ đến. Ngoài ra, người Việt còn có những tục lễ như xông đất, hái lộc, mua muối hay xin chữ. Tôi vẫn còn nhớ những đêm giao thừa, tôi ngồi trong nhà và vẫn thường hay nghe thấy tiếng giao của những cô bán muối. Gia đình tôi không bao giờ quên mua một túi muối để cầu may cho năm mới đến. Theo quan niệm của người Việt, muối tượng trưng cho sự mặn mà vì thế mà đầu năm mua thứ ấy thì cả năm sẽ được vui vẻ, may mắn. Người Việt cũng thường hay đi xin chữ ngày đầu năm mới, đặc biệt là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Người ta đến xin những chữ mà mình mong muốn, học sinh đi học thì thường mong đỗ đạt, người làm ăn thì cầu chữ “Phát” và không có gì quý hơn “Thọ” với những người cao tuổi. Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi cũng chưa bao giờ thử đi xin chữ đầu năm. Tôi chỉ thường hay xem trên tivi nhưng nhìn những dòng người chen chúc nhau đông vui tấp nập ở Văn Miếu thì tôi hiểu, người Việt ta tin vào những phong tục ấy đến nhường nào. Một nét đặc trưng khác trong Tết của người Việt, đặc biệt là với học sinh sinh viên đó là khai bút ngày mùng một Tết. Năm nào cũng vậy, như đã thành thói quen, việc đầu tiên tôi làm vào sáng mùng một là ngồi vào bàn học và bắt đầu khai bút. Đôi khi đó chỉ là việc giải một bài toán hay viết một bài văn nhưng nó sẽ đem lại may mắn trong con đường học hành suốt cả năm đó. Và ngược lại, nếu không tập trung thì chuyện học hành năm đó sẽ bị chểnh mảng. Những điều đó có thể không thật sự chính xác nhưng nó là phong tục truyền thống và được nhiều người dân Việt tin tưởng. Ẩm thực, phong tục, tất cả đã làm nên những ngày Tết rất đặc biệt, làm nên một nền văn hóa rất Việt Nam.
Nhắc đến Tết là nhắc đến niềm vui, nhắc đến một sự bắt đầu. Tết đem lại cho con người ta những cảm giác mới mẻ, thú vị. Nhưng nói thể không có nghĩa là Tết chỉ có hạnh phúc. Tôi có thể ngồi kể ra rất nhiều những kỉ niệm vui về tết từ thời thơ ấu đến giờ, nhưng cũng không hẳn là không có những nỗi buồn thầm kín, riêng tư mà có lẽ chỉ tôi mới hiểu được. Tết đến là một năm mới nữa lại đến và nó cũng đồng nghĩa với việc những người thân yêu của tôi đã nhiều hơn một tuổi. Những ngày bé tôi còn ngây thơ, hồn nhiên vui cười đón Tết đến nhưng càng lớn hơn, tôi càng nhận thức được rõ hơn bao giờ hết sự tàn nhẫn của thời gian. Thời gian cứ trôi qua nhẹ nhàng mà vô tình mặc cho con người có cố gắng níu giữ. Những đứa trẻ thì luôn mong được lớn thật nhanh để được làm người lớn nhưng thời gian một năm đối với người già thì thật là đáng sợ. Một năm qua đi, ông bà tôi lại già thêm một tuổi, lại yếu đi hơn trước nhiều. Một năm qua đi, tôi đã thấy trên đầu ba mẹ tôi nhiều tóc bạc hơn. Nếu có thể tôi mong thời gian ngừng trôi để tôi níu giữ mãi những khoảnh khắc đáng nhớ này, khoảnh khắc mà tôi được sống trong tình yêu thương đùm bọc chở che của cả ông bà và cha mẹ. Tôi mong thời gian ngừng trôi để tôi không bao giờ phải rời xa những người mà tôi yêu thương. Tôi mong cuộc sống sẽ mãi dừng lại ở giờ phút này để tôi không phải nhìn thấy sự già nua, ốm yếu đang dần một hiện rõ nơi những người ruột thịt thân yêu nhất của tôi. Nhưng tôi biết thời gian không chờ đợi một ai. Nó tàn nhẫn và có thể cướp đi hạnh phúc của tôi bất cứ lúc nào. Tôi ghét Tết cũng vì điều đó. Và vì thế tôi hiểu tôi phải nắm lấy những giây phút này, phải yêu thương ông bà, ba mẹ bằng tất cả trái tim của tôi, phải học hành giỏi giang để khiến mọi người hạnh phúc và có thể mỉm cười về tôi. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn Tết vì nhờ có Tết mà tôi mới biết được những người thân quan trọng với tôi như thế nào và cho tôi cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình với họ. Sinh, lão, bệnh, tử, đời người ai cũng phải trải qua nhưng tôi không nỡ nhìn những người gần gũi, gắn bó với tôi nhất phải chịu những điều ấy. Vì thế tôi luôn trân trọng những ngày tháng này, trân trọng những cái Tết sum vầy đông đủ cả gia đình. Tôi bỗng thấy mình vẫn thật hạnh phúc khi tôi nghĩ đến những người lính ngoài Trường Sa, Hoàng Sa. Họ vẫn đang ngày đêm canh gác vì hòa bình, tự do của dân tộc để chúng ta có những cái Tết đầm ấm và hạnh phúc như vậy ở đất liền. Họ đã quên đi bản thân mình, hi sinh hạnh phúc cá nhân để cống hiến cho tổ quốc. Chúng ta phải cảm ơn họ vì đã đem đến cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc hơn. Và cũng nhờ có họ, mà ngày Tết Việt Nam mới càng thêm đẹp và ý nghĩa hơn.
Tết là một phần kí ức tuổi thơ tôi, đã ngấm vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay. Tôi yêu Tết Nguyên Đán, yêu cái Tết cổ truyền của dân tộc tôi. Nó luôn đem đến cho con người những khởi đầu mới, những mới mẻ để con người cùng nhau khám phá. Và quan trọng hơn, Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng biệt tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
HP
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
DH
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
1G
Xem chi tiết
RD
Xem chi tiết