Bài 1:
Môi trường sống của chúng ta đang bị đe dọa nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường là hành vi xả rác bừa bãi của chính con người. Là những người chủ của tương lai, chúng ta hãy suy nghĩ về vấn đề này và tìm cách cứu vãn môi trường sống đang bị đe dọa. Nghĩ về điều này tôi muốn gửi đến các bạn một thông điệp: “Đừng xả rác bừa bãi và hãy giữ lấy môi trường xanh, sạch, đẹp”.
Môi trường là nơi sinh vật và con người tồn tại. Môi trường sinh thái tốt thì con người khỏe mạnh, cuộc sống sẽ tươi đẹp! Thế nhưng thực tế chó thấy ý thức bảo vệ môi trường của con người chưa cao, một số người xả rác bừa bãi ra đường hoặc nơi công cộng. Hiện tượng này khá phổ biến, nó làm ô nhiễm môi trường, mất đi mĩ quan của đường phố.
Các bạn ạ! Đất nước Việt Nam của chúng ta có diện tích nhỏ hẹp, dân số mỗi ngày một đông, nếu như hiện tượng này cứ tiếp tục thì môi trường sẽ ô nhiễm nặng, sức khỏe của cộng đồng sẽ bị đe dọa. Đó là chưa kể đến việc ô nhiễm môi trường sẽ hủy diệt sự sống của động vật, sinh vật, đặc biệt là các loài động vật sống dưới nước.
Các bạn hãy hình dung những danh lam, thắng cảnh của đất nước chúng ta nơi mọi người đến tham quan, nghỉ mát, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà có rác thải ngổn ngang, có những người ngồi hóng mát trên bờ hồ rồi vứt rác xuống hồ, dù là hồ nước đẹp và trong đến đâu chăng nữa. Họ đâu nghĩ rằng hồ nước là môi trường sống của cá, tôm. Vứt rác và xả nước thải xuống sông hồ sẽ làm ô nhiễm môi trường nước. Nước thải từ các nhà máy, các khu công nghiệp đổ xuống sông với hàng loạt hóa chất độc hại có trong nước thải làm nguồn nước sông, hồ bị ô nhiễm. Tôi nghĩ rằng nhìn hồ nước trong veo không một tí rác hay nhìn những con đường sạch bóng không có rác thải thì ta cảm thấy khỏe khoắn hẳn lên. Chẳng phải ông bà xưa thường nói Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm đó sao.
Vậy thì chúng ta phải giữ gìn vệ sinh nhà cửa của mình và nơi công cộng, không vứt rác ra đường, xuống sông hồ hoặc công viên… không làm ô nhiễm môi trường nước. Chúng ta hãy xem nơi công cộng là mái nhà của chúng ta, giữ môi trường sống thật sạch để có không khí trong lành, mát mẻ và có mĩ quan, bởi lẽ cuộc sống của chúng ta rất cần “cái khỏe” và “cái đẹp”. Cũng chính từ quan điểm đúng đắn đó mà nhiều người đã thầm lặng quét rác nơi công cộng, bãi tắm hay đường phố. Nếu ta biết ơn những người công nhân vệ sinh môi trường phải tần tảo sớm khuya để quét rác, thu gom rác thải thì không lí gì chúng ta không bỏ rác đúng quy định. Không nên vứt rác bừa bãi ra đường hay ở những nơi công cộng, cũng không nên vứt rác xuống sông, hồ… cần bỏ rác đúng quy định để không ô nhiễm môi trường và tạo nên cái đẹp trong cuộc sống của chúng ta. Làm được điều này sẽ cứu vãn được môi trường. Mặt khác, chúng ta cần tích cực trồng cây xanh. Cây xanh đối với không khí cũng như lá phổi đối với con người. Giữ vệ sinh môi trường và tích cực trồng cây xanh là việc làm thiết thực nhất để bảo vệ chính chúng ta và làm cho môi trường sạch đẹp, bầu không khí trong lành hơn. Bảo vệ môi trường là cách sống tốt đẹp nhất.
Bài 2:
Bài thơ Bài ca Côn Sơn được rút trong tập thơ chữ Hán Ức Trai Thi Tập.Nguyễn Trãi viết bài thơ này trong những năm cuối đời, khi đã về Côn Sơn ở ẩn:
“Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn”.
Bài ca Côn Sơn viết theo thể điệu “ca khúc” cổ điển, gồm có 36 câu thơ chữ Hán, câu ngắn nhất bốn chữ, câu dài nhất mười chữ, phần lớn làcâu ngũ ngôn, thất ngôn. Dịch giả đã chuyển điệu, chuyển thể thành 26 câu thơ lục bát; một bản dịch thơ khá hay về Bài ca Côn Sơn.
Đoạn thơ gồm tám câu thơ lục bát được dịch từ 12 câu thơ nguyên bản nói về vẻ đẹp hữutình của thiên nhiên Côn Sơn và thể hiện niềm yêu thích, say mê của ức Trai khi được giao hòa giao cảm với suối, đá và thông, trúc:
“Côn sơn suối chảy rì rầm,
………………………………………………
Trong màu xanh mát ta ngân thơ nhàn”.
Côn Sơn là dãy núi ở xã Chi Ngại, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tướng công Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, đã nhiều năm ở ẩn tại động Thanh Hư trong dãy núi Côn Sơn. Thời thơ ấu, Nguyễn Trãi đã nhiều năm sống với mẹ và ông ngoại tại đây. Vì thế, nhà thơ coi Côn Sơn là “quê cũ” với bao tình mến thương.
Bài ca Côn Sơn là bài ca giao cảm với thiên nhiên, cũng là bài ca về thế sự, triết lí về cuộc đời, về nhân sinh.
Đoạn thơ cấu trúc tứ bình, thể hiện vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên: suối, đá, tùng, trúc. Cảnh thứ nhất là suối. Tiếng nước chảy cứ róc rách mà nhà thơ thích thú “cho là đàn cầm”. Nhạc của suối để mua vui những tháng ngày ở ẩn. Ẩn dụ “đàn cầm” biểu lộ niềm vui giao cảm với suối, coi suối là mảnh tâm hồn của “ta”:
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Cảnh đẹp thứ hai là đá. Đá được mưa xối làm cho phẳng lì, rêu phơi màu xanh biếc, “ta cho là đệm chiếu”. Đá đã trở thành một phần cuộc đời ức Trai, là chiếu êm để khi nghỉ ngơi ngồi ngắm cảnh suối rừng. Cụm từ “Côn Sơn có”, được điệp lại làm cho nhạc điệu bài ca trở nên du dương trầm bổng, biểu lộ niềm vui thú, say mê. Ẩn dụ “đệm chiếu: (tạm tịch) thể hiện một tư thế an nhàn:
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Cảnh đẹp thứ ba là thông. Đã bao đời nay, thông Côn Sơn đã đi vào lịch sử và hồn người. Thông bát ngát như “muôn chiếc lọng xanh rủ bóng”, là nơi “ta tha hồ nghỉ ngơi...”. Bóng thông, màu xanh của thông như chở che con người. Nhà thơ ngắm thông với bao niềm vui thỏa thích, tin cậy:
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Ẩn dụ “muôn dặm chiếc lọng xanh rủ bóng” là một hình tượng mĩ lệ gợi cảm. Thông tượng trưng cho đấng trượng phu coi thường sương tuyết đã trở thành tri kỉ của nhà thơ.
Cảnh đẹp thứ tư là trúc. Trúc Côn Sơn điệp trùng nghìn màu, xanh một màu xanh mát rượi. Dưới gốc trúc, bóng trúc, “ta tha hồ ngâm nga”.
Màu xanh của trúc đã tỏa mát tâm hồn ức Trai. Trúc quân tử đã trở thành bạn tri âm, san sẻ, cảm thông niềm vui nỗi buồn của “ta” trong những ngày tháng về Côn Sơn ở ẩn:
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Nếu phần sau bài ca mang tính triết lí biểu lộ một nhân cách cao khiết của kẻ sĩ, thì phần đầu lại dào dạt chất trữ tình. Suối, đá, thông, trúc là nơi nương tựa nâng đỡ tâm hồn, là đối tượng để thi nhân giao hòa với giao cảm, để “ta cho ta là đàn cầm”, để “ta cho ta là đệm chiếu”, để “ta tha hồ nghỉ ngơi” trong rừng thông, để “ta tha hồ ngâm nga” giữa nghìn mẫu trúc. Các ẩn dụ tạo nên những hình tượng mĩ lệ: suối là đàn cầm, đá là đệm chiếu, thông là những chiếc lọng xanh rủ bóng, trúc tỏa bóng mát rượi. Hình tượng thơ là âm thanh của khúc nhạc rừng, là màu xanh bất tận của núi rừng, của thiên nhiên, của sự sống. Tất cả đã gắn liền với cảm giác, với tâm hồn ức Trai bằng bao liên tưởng thiết tha, đằm thắm. Một cách viết trùng điệp tài hoa. Chữ “ta” xuất hiện bốn lần, kết hợp với các điệp ngữ: “Côn Sơn có...”, “trong núi có...”, “trong rừng có...”, “ta cho là...”, “ta tha hồ...” đã tạo nên âm điệu, nhạc điệu trầm bổng, du dương, thiết tha của Bài ca Côn Sơn.
“Ta”là chủ thể trữ tình của bài ca, chính là ức Trai tiên sinh. Thiên nhiên là ta, ta cũng là thiên nhiên: suối, đá, thông, trúc của Côn Sơn với Nguyễn Trãi chính là một. Chữ “ta” trong thơ Nguyễn Trãi rất hồn nhiên, dung dị và biểu cảm.
Nhạc của Bài ca Côn Sơn là nhạc của tâm hồn, một tâm hồn thanh cao và trong sạch. Có thể nói Bài ca Côn Sơn là bài ca của sự sống, sự sống được ướp hương sắc của suối rừng đất nước quê hương.
Bài 3:
“Học” là con đường tiếp thu tri thức để hoàn thiện phẩm chất của mỗi con người. Con đường học vấn dài vô tận và muốn đạt đến đỉnh cao của học vấn thì có rất nhiều phương pháp. Mỗi người đã chọn lựa cho mình một phương pháp để đi trên con đường chông gai đầy thử thách này, nhưng đáng tiếc rằng đa số học sinh ngày nay lại chọn cho mình một phương pháp học rất dễ thực hiện nhưng lại dễ làm cho họ vấp ngã mà đã vấp ngã thì họ khó tài nào đứng dậy nổi.Phương pháp nguy hiểm đó chính là “học vẹt” và “học tủ”.
“Học vẹt” là thuộc làu làu những khái niệm, những định nghĩa, những kiến thức nhưng không hề hiểu gì về kiến thức, định nghĩa, khái niệm đó. Biểu hiện của nó là lý thuyết thì thuộc làu nhưng áp dụng kiến thức đó vào thực hành thì “bó tay”. “Học tủ” hơi khác so với “học vẹt”. “Học tủ” là chọn một phần kiến thức trong vô vànkiến thức để học và nghĩ rằng kiến thức đó sẽ có trong kỳ thi.
Tuy khái niệm về hai phương pháp học trên là khác nhau nhưng nó đều cùng một nguyên nhân. Nguyên nhân để học sinh ngày nay chọn phương pháp “học vẹt”, “học tủ” là họ không hiểu được tầm quan trọng của học vấn. Họ học chỉ là để đối phó, kiếm cái bằng để dễ dàng kiếm việc, lo việc mưu sinh cho bản thân mà họ không biết rằng họ dễ dàng sa vào vũng bùn khó có thể đứng dậy nổi. Một nguyên nhân nữa đó là họ lười học, lười suy nghĩ. Bộ não của họ không còn chỗ để tiếp thu cái mới, tiếp thu kiến thức một cách toàn diện và hiệu quả nữa, thay vào đó là những kiểu ăn mặc thời trang, trò chơi không lành mạnh… cứ bám trong đầu óc họ như một kí sinh làm tê liệt thần kinh họ.
“Học vẹt”, “học tủ” mang đến tác hại rất nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội. Tuy lý thuyết thì thuộc lòng nhưng không hiểu để áp dụng vào đời sống, công việc. “Học trước quên sau”, kiến thức chưa kịp bám vào bộ não thì đã bị những sở thích tầm thường đẩy ra ngoài mà không thể chống cự. Không những thế, “học tủ”còn gây thêm hại nữa đó là kiến thức cơ bản, kiến thức toàn diện không nắm được. Mọi công sức, nỗ lực dạy dỗ của thầy cô, cha mẹ đều bị đổ xuống sông xuống bể và lỡ may đến kỳ thi bị “lệch tủ” thì “xôi hỏng bỏng không”.
Tác hại của nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn gây ra một sự truyền nhiễm nghiêm trọng. Từ một cá nhân dùng phương pháp này thì ai mà không có “sức đề kháng” cao sẽ dễ dàng bị truyền nhiễm. Họ dễ học theo, làm theo miễn là những gì mà họ học theo, làm theo đó có lợi trước mắt cho họ.
Nếu không chữa ngay từ lúc nó còn “trứng nước” thì “học vẹt”, “học tủ” sẽ mang lại hậu quả rất nghiêm trọng. Việc đầu tiên là chúng ta phải xác định được tầm quan trọng của học vấn. Bởi có thế chúng ta mới chọn lựa, định hướng được cho tương lai của mình, chọn cho mình con đường đi đúng nhất để hoàn thiện chính mình.Có hiểu và xác định được sự quan trọng của học vấn thì chúng ta mới có động lực học tập và chọn lựa phương pháp học đúng đắn. Nhiệm vụ cần thiết thứ hai là gia đình xã hội phải tuyên truyền chỉ bảo, dạy dỗ cho học sinh ngày nay khi còn nhỏ. Phải cho học sinh hiểu rõ, nắm rõ sự quan trọng của học vấn để mỗi người biết vượt lên chính mình, bỏ qua thú vui tầm thường để dành thời gian, tâm trí cho việc học tập.
Nếu ai cũng có ý thức, có định hướng cho riêng mình, biết suy nghĩ về hành vi, việc làm của mình thì tin chắc rằng sẽ không còn ai nhắc đến căn bệnh “học vẹt”, “học tủ” nữa. Lúc đó mỗi học sinh sẽ có những kiến thức cần thiết để chuẩn bị hành trang bước vào đời góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.