Trong cuộc sống con đường dẫn tới thành công không phải là những con đường có cánh đồng hoa thơm ngát. Có ai đứng trên đỉnh vinh quang mà chưa một lần bước qua những con đường sỏi đá? Trên con đường đầy chông gai và thử thách ấy, câu tục ngữ ” có công mài sắt có ngày nên kim” luôn là động lực của ta.
Ai trong chúng ta cũng đã một lần nhìn thấy bác thợ rèn làm việc. Từ những thanh sắt to và dày vô tri vô giác, phải qua một quá trình đầy vất vả thì mới có thể trở thành cây kim nhỏ bé nhưng vô cùng hoàn hảo và hữu ích. Trong thực tế cũng vậy, để đi đến thành công là cả chặng đường gập gềnh mà ta phải vượt qua. Lúc đó, lòng kiên trì và ý chí quyết tâm là bảo bối quý báu giúp ta vượt qua mọi gian truân.
Tính kiên trì là phẩm chất vô cùng quan trọng trong việc học tập. Có người nào cứ làm được một nửa rồi bỏ dở mà đạt kết quả tốt không? Ta không thể quên câu bé Nguyễn Hiền ngày mưa hay ngày nắng, dù có bận đến đâu vẫn kiên trì học tập, nghe nhờ bài giảng ở ngoài cửa lớp. Để rồi bù đắp cho những tháng ngày cần mẫn ấy, cậu bé đã trở thành Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất lịch sử Việt Nam. Hay như chàng thanh niên Cao Bá Quát kiên chì rèn luyện chữ hết ngày này qua ngày khác, ở mọi lúc mọi nơi trong một thời gian dài. Cuối cùng ông đã trở thành tấm gương mẫu mực về ” văn hay chữ tốt”. Nổi tiếng hơn cả là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – người thầy mẫu mực của ngành giáo dục Việt Nam. Tuy bị tật ở tay, hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn nhưng thầy vẫn ngày ngày đến lớp, cần mẫn tập viết bằng chân. Sau bao năm tháng học tập vất vả, ngày nay, thầy đã trở thành một nhà giáo ưu tú, tiếp thêm ngọn lửa quyết tâm và niềm tin đối với thế hệ trẻ nước nhà.
Không chỉ trong học tập mà trong cả lao động sản xuất hay khoa học kỹ thuật, đức tính kiên trì cũng không thể bị phớt lờ. Tiêu biểu hơn là tiến sỹ nông nghiệp Lương Đình Của. Ông đã làm việc cật lực từ sáng đến tối, ngày ngày bì bõm trên cánh đồng để nghiên cứu đặc điểm của cây lúa nước. Thời gian ông gắn bó với đồng còn nhiều hơn những người nông dân, và kết quả sau bốn vụ mùa ròng rã ông đã phát minh ra giống lúa mới cho năng suất cao và chống chịu lại được với sâu bệnh, phát minh của ông đã xóa đi nỗi lo mất mùa của người nông dân.
Không thể không kể đến, nhà bác học vĩ đại Thomas Edison – người đã chế tạo ra dây tóc bóng đèn. Để tìm ra loại sợi có thể làm sáng lâu, ông đã phải làm thí nghiệm 1000 lần với hàng ngàn loại sợi khác nhau. Cuối cùng điện cũng đã thắp sáng trên toàn thế giới – một sự kiện quan trọng của loài người. Ông khiến chúng tôi vô cùng cảm phục bởi sự kiên trì, nhẫn nại và thành công rực rỡ của mình.
Trong hoạt động thể dục thể thao, những cái tên như Nguyễn Thị Ánh Viên, Lý Hoàng Nam, Nguyễn Công Phượng… đối với chúng ta đã vô cùng quen thuộc. Họ đã mang về những huy chương, những danh hiệu, những chiếc cúp vô địch về cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Những thành công ấy có được chỉ nhờ một phần nhỏ vào tài năng bẩm sinh, còn phần lớn được tạo dựng nên bởi sự kiên trì, bền bỉ, lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Đằng sau những phút giây tỏa sáng trên đấu trường quốc tế là bao năm trời ròng rã phải luyện tập, thậm chí là chịu chấn thương nặng nề. Người khỏe mạnh đã phải khó nhọc như vậy, nhưng những vận động viên khuyết tật mới thực sự khiến chúng ta phải nể phục. Họ có cơ thể không hoàn thiện, sinh ra trong sự thiếu thốn, thậm chí còn lớn lên trong sự miệt thị của bạn bè. Nhưng họ vẫn không đầu hàng trước số phận, họ đã dám vùng lên, dám vượt qua chính giới hạn của bản thân mình để trở thành những con người có ích cho xã hội. Mỗi chiến thắng hay thành công của họ không chỉ là sự đánh bại đối thủ trên đấu trường mà còn là sự chiến thắng chính bản thân mình.
“Trên bước đường thành công chỉ có 1 % là khả năng bẩm sinh, còn 99% còn lại cần sự cần cù và chăm chỉ” . Bởi thế chúng ta luôn phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm vượt khó thì mới mau chóng gặt hái được thành công trong cuộc sống.
p tham khảo na
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên,
Lời dạy dó bao năm qua đã cổ vũ, khích lệ thanh niên phấn đấu khắc phục muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.
Không biết ai đã nói rất đúng “sống là hành trình khắc phục khó khăn”. Con người ta muốn sống thì phải có ăn, có mặc, có chỗ ở, có kiến thức, có việc làm, được bảo vệ... Muốn có các thứ ấy con người phải vượt qua bao nhiêu khó khăn mới đạt được. Khó khăn trong bản thân, trong xã hội, trong tự nhiên. Các Mác từng nói: “Sống tức là đấu tranh”, cũng có nghĩa là đấu tranh khắc phục mọi khó khăn, trở ngại trên con đường đi tới.
Nhưng người ta thường có thái độ khác nhau trước khó khăn. Có người thấy khó khăn thì run sợ, chùn bước, ngã lòng, né tránh. Kết quả là họ buông xuôi, mặc cho số phận rủi may xô đẩy. Trái lại, đối với những con người tích cực thì khó khăn không làm họ thối chí, mà chỉ làm cho họ thêm mạnh mẽ. Lời khuyên của Bác Hồ nhằm tăng thêm sức mạnh cho tuổi trẻ.
“Không có việc gì khó” - có vẻ như phủ nhận mọi khó khăn ở đời, nhưng thật ra không có ý xem mọi vật ở đời là bằng phẳng và dễ dàng. Khó khăn ở đời là một thực tế không ai phủ nhận được. Nhưng khó và dễ là tương đối, phụ thuộc vào ý chí của con người. Con người có ý chí thì biến khó khăn thành cái có thể vượt qua, khắc phục mọi khó khăn, dù cho đó là việc tày trời như đào núi, lấp biển:
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Lời dạy của Bác Hồ đề cao đến mức tuyệt vời vai trò sức mạnh ý chí của con người trong mọi việc, đặc biệt là ý chí của nhân dân, của tập thể, của người cách mạng. Người từng dạy quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cùng đánh thắng”. Người từng khuyên cán bộ ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Hoàn toàn không phải là Bác Hồ khinh thường khó khăn, chủ trương “ý chí luận”, mà là Người rất coi trọng yếu tố chủ quan của con người. Bởi vì nếu thiếu đi yếu tố đó thì dù điều kiện có thuận lợi đến đâu cũng dễ dàng bị bỏ qua, không được tận dụng.
Trong lời khuyên của Bác có một câu rất quan trọng: “Chỉ sợ lòng không bền”. Không sợ khó mà lại sợ lòng không bền. Câu nói đó nói lên một nhược điểm thường gặp của con người là sợ gian khổ, dễ ngã lòng. Chính vì con người thường sợ khó cho nên việc khó lại càng khó! Đặc biệt là khi làm việc lớn, như đào núi lấp biển, kháng chiến chống giặc thì lại càng phải bền lòng hơn nữa. Có người nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” cũng là nói về ý này.
Bản thân Bác Hồ là một tấm gương nêu cao ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Hồi còn thanh niên Bác từng rủ một người bạn đi sang Pháp. Khi người bạn hỏi lấy tiền đâu mà đi, Bác Hồ đã đưa hai bàn tay lên và trả lời: “Đây, tiền đây”. Nghĩa là Người sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền ra đi cứu nước. Và Người đã làm bồi bàn, làm thợ ảnh, làm phụ bếp... để hoạt động cách mạng. Khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại nhà ngục Quảng Tây, Người lại tự khuyên mình bằng bài thơ Đi đường.
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng,
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Ở đây lại xuất hiện tinh thần khắc phục khó khăn: Nếu quyết tâm bền bỉ leo lên đến tận cùng, thì rừng núi chập chùng trùng điệp cũng bị khuất phục.
Tóm lại, với một bài thơ ngắn năm chữ, dễ thuộc, Bác Hồ đã khuyên thanh niên ta nêu cao vai trò quyết định của nhân tố con người trong việc khắc phục khó khăn. Đó không phải là một lời khuyên lí thuyết, mà là lời khuyên đã được kiểm nghiệm bằng cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Người, bằng quá trình đấu tranh cách mạng anh hùng của nhân dân ta.
Vâng lời Bác Hồ dạy quân dân ta đá giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và xâm lược Mĩ. Tiếp tục Vâng theo lời Bác, nhất định nhân dân ta sẽ còn giành được nhiều thắng lợi hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
p tham khảo na